Thứ Ba, Ngày 06 tháng 05 năm 2025,
Chỉ số MEI 2014: Hết cảnh dàn hàng ngang
Khánh An - 27/06/2015 10:10
 
Thoát khỏi hội chứng dàn hàng ngang ở mức trung bình, nhưng đa phần điểm chấm của 228 hiệp hội, đại diện hơn 409.000 doanh nghiệp, cho các bộ theo Chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ năm 2014 (MEI 2014) vẫn chỉ ở mức trung bình khá.

Bức tranh nhiều hy vọng

Chọn tấm ảnh bình minh rực rỡ làm đại diện cho MEI 2014, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đại diện Nhóm nghiên cứu MEI muốn thể hiện sự tin tưởng vào những thay đổi của các bộ mà Nhóm nghiên cứu MEI của VCCI đã ghi lại được.

Có 4/5 mảng hoạt động của MEI 2014 tăng điểm so với MEI 2012. Cả 14 bộ được xem xét cũng đều cải thiện so với chính mình.

Bộ Giao thông -?Vận tải đang dẫn đầu MEI 2014 tính theo tổng điểm
Bộ Giao thông - Vận tải đang dẫn đầu MEI 2014 tính theo tổng điểm

Tính riêng từng chỉ số trong bộ 5 chỉ số của MEI 2014, chỉ còn chỉ số soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật bị chấm điểm trung bình. Số còn lại đều ở mức trung bình khá.

“Rõ ràng, các bộ đã không chỉ thực hiện vừa đủ nghĩa vụ đặt ra mà bắt đầu có những nỗ lực nhất định để thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả hơn”, bà Trang phân tích các con số ghi nhận được.

Trong số này, phần sáng nhất, thật bất ngờ, lại rơi vào Bảng xếp hạng Hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật với 11/14 bộ đạt điểm khá, 3 bộ cuối bảng là Bộ Văn hóa -  Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đạt điểm trung bình khá, trên 65 điểm. 12/14 bộ đã đạt được mức tăng điểm tốt nhất của mình ở chỉ số này.

“Xét từng bộ thì Bộ Giao thông – Vận tải có mức độ cải thiện mạnh nhất ở chỉ số này khi tăng 50,99% về số điểm so với MEI 2012, khi vọt từ vị trí cuối trong MEI 2012 lên hàng thứ hai trong chỉ số này của MEI 2014. Đây cũng là ngôi sao sáng của MEI 2014”, bà Trang nhận xét.

Đặc biệt, phân tích sâu hơn, thủ tục hành chính của các bộ đã được các hiệp hội đánh giá ở mức “giỏi”,  với 81,95 điểm cho phần hiệu quả. Tiếp sau là việc ban hành quy hoạch, kế hoạch (79,92 điểm), việc phối hợp với các bộ khác (79,53 điểm). So với mức điểm tối đa 100, có lẽ đây là những chỉ tiêu gần nhất với kỳ vọng của doanh nghiệp với hoạt động của các bộ, ngành theo các tiêu chí của MEI 2014.

Cũng phải nói rõ, MEI đưa ra bức tranh toàn cảnh về hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ nhưng ở các khía cạnh định lượng và đánh giá được. Khác với những năm trước chỉ có một bộ chỉ số đánh giá hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật, MEI 2014 có 5 chỉ số độc lập với 5 bảng xếp hạng.

Đương nhiên, MEI 2014 có 5 quán quân, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bảng Hiệu quả soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bảng Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật), Bộ Thông tin và Truyền thông (Bảng Hiệu quả công khai thông tin và tuyên truyền, phổ biến pháp luật), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (BảngHiệu quả tổ chức thi hành pháp luật), Bộ Giao thông – Vận tải (Bảng Hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết).

Những khoảng trống do chưa minh bạch

Tuy nhiên, tốc độ sáng lên của MEI nói chung, cũng có nghĩa là sự cải thiện của các bộ theo 5 tiêu chí của MEI vẫn chậm, khiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo lắng.

“Đơn cử như nếu thời gian hoàn tất một văn bản pháp luật cứ phải mất một vài năm, thì điều kiện thực tế giữa lần nghiên cứu đầu tiên để đề xuất ý tưởng xây dựng chính sách, pháp luật đã rất khác với thời điểm ban hành. Đây là tình trạng có văn bản vừa ban hành đã phải sửa, có văn bản hiệu quả thực thi kém… Sự thay đổi hàng ngày của môi trường kinh doanh đòi hỏi tốc độ thay đổi của các bộ nhanh, mạnh và quyết liệt hơn”, bà Phạm Chi Lan nói.

Điều này trở nên hệ trọng hơn khi một lần nữa, mức độ cải thiện của chỉ số hiệu quả soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể ở đây là mảng hoạt động lấy ý kiến trong soạn thảo văn bản lại giảm 4,16 điểm so với MEI 2012. Cũng chỉ số này, so sánh giữa MEI 2012 và 2011, mức giảm là liên tục.

Như vậy, mức giảm nhẹ nhưng gần như tuyệt đối trong bối cảnh các chỉ số khác đều tăng điểm đang cho thấy, chỉ số minh bạch đang bị xói mòn. Thậm chí, ngay cả khi chỉ số công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật (chỉ số đại diện cho sự minh bạch) có mức tăng điểm đáng kể, đứng thứ 2 trong bộ 5 chỉ số, thì cũng không bù đắp được khoảng xói mòn này. Vì theo đánh giá của bà Chi Lan, phần công khai mới ở mức tuyên truyền những gì đã có, chứ chưa thực sự theo hướng phân tích những điểm lợi, bất lợi và những khuyến nghị tới đối tượng thực thi.

Nếu xét thêm Chỉ số Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong MEI 2012 và MEI 2014 ở ý nghĩa đây là khung khổ pháp luật cho hoạt động kinh doanh, thì chỉ tiêu minh bạch cũng có sự cải thiện chậm nhất, so với chỉ tiêu về tính hợp lý, tính thống nhất và khả thi.

“Khi nghiên cứu hai xu hướng trái ngược trong yếu tố minh bạch, chúng tôi phát hiện hoạt động lấy ý kiến doanh nghiệp trong giai đoạn soạn thảo văn bản giảm điểm có nguyên do nhiều từ việc thiếu cơ chế thực hiện. Hiện không có cách nào để đo đếm việc thực hiện nên chủ  yếu, kết quả của hoạt động này nhờ vào sự thiện chí của người thực hiện. Trong khi đó, việc công khai minh bạch thông tin pháp luật có cơ chế rõ ràng, tiêu chí kiểm soát và cả sức ép của dư luận”, bà Trang phân tích.

Đây cũng là lý do khiến 6/14 bộ có điểm dưới trung bình về Chỉ số Hiệu quả soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. So với MEI 2011, tốp cuối là Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gần như không đổi, trừ sự thăng hạng từ cuối bảng lên thứ 5 của Bộ Giao thông – Vận tải.

Nếu lấy khung điểm 100, rõ ràng, khoảng trống giữa sự kỳ vọng của doanh nghiệp và thực tế hoạt động của các bộ, ngành vẫn doãng rộng.

Xếp hạng Hiệu quả soạn thảo Văn bản quy phạm pháp luật: MPI đứng đầu
Với 58,08 điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu Bảng xếp hạng Hiệu quả soạn thảo Văn bản quy phạm pháp luật. Vị trí thứ hai là Bộ Tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư