Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chỉ số sản xuất công nghiệp chủ lực của Vĩnh Phúc tăng thấp nhất trong 8 năm
Thế Hoàng - 10/05/2023 18:44
 
Trước tác động từ kinh tế toàn cầu, tiêu dùng sụt giảm, thiếu đơn hàng, dẫn đến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc tăng thấp nhất trong vòng 8 năm qua.
Bộ trưởng Công thương thăm nhà máy sản xuất của Công ty Honda Việt Nam.
Bộ trưởng Công thương thăm nhà máy sản xuất của Công ty Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc.

Sáng 10/5, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Trước tác động từ kinh tế toàn cầu, tiêu dùng sụt giảm, thiếu đơn hàng, GRDP quý I năm 2023 của tỉnh Vĩnh Phúc giảm 2,47% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp, xây dựng giảm 6,69%, nông nghiệp tăng 2,46%, riêng ngành dịch vụ duy trì được mức tăng 8,91 so với cùng kỳ năm 2022.

Còn thông tin từ Sở Công thương Vĩnh Phúc trước đó, 4 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 2,85% so với cùng kỳ, trong đó có 10/24 ngành cấp II có chỉ số sản xuất giảm. Ngoại trừ ngành sản xuất linh kiện điện tử có mức tăng 10,38%, các ngành còn lại có chỉ số giảm sâu như: Sản xuất ô tô giảm 42,60%; sản xuất xe máy giảm 13,38%; sản xuất và chế biến thực phẩm giảm 12,22%; sản xuất trang phục giảm 4,42%; sản xuất kim loại giảm 9,99%.

Đặc biệt, do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng cho Samsung (doanh nghiệp có sản lượng thấp so với cùng kỳ năm trước) dẫn đến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh tăng thấp nhất trong 8 năm qua.

Bộ trường Nguyễn Hồng Diên đánh giá: "Với độ mở của nền kinh tế cao (gấp 2 lần cả nước), Vĩnh Phúc đã chịu ảnh hưởng mạnh khi nhu cầu thị trường thế giới suy giảm. Tổng sản phẩm quý I giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 3,32%), đứng thứ 60/63 tỉnh, thành trong cả nước".

Đáng nói, khu vực có thế mạnh của tỉnh là công nghiệp giảm tới 8% (xếp thứ 10/11 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 50/63 cả nước); lạm phát ở mức 5,06%; huy động vốn giảm 4,49% và dư nợ tín dụng tăng thấp (2,77%) so với cuối năm 2022.

Để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, tiến gần mục tiêu kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng lưu ý Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2023.

"Cần rà soát rà soát, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ thực chất, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từng dự án đầu tư trên địa bàn (gồm cả dự án đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp), nhất là các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động để phát huy hiệu quả đầu tư và gia tăng năng lực sản xuất mới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiếp cận, khai thác các thị trường (cả trong nước và nước ngoài) để phát huy hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, như EVFTA, CPTPP, RCEP…

Có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây truyền sản xuất hiện đại. Tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng, nhằm phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic, tăng tỷ trọng giá trị nội địa và nâng cao tính độc lập, tự chủ trong sản xuất công nghiệp địa phương.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt trên 371 tỷ USD, trong đó Vĩnh Phúc là địa phương đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn, đứng thứ 11, với kim ngạch hơn 8,7 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, Vĩnh Phúc đề nghị đoàn công tác của Bộ Công thương xem xét, báo cáo Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách phục hồi kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước trong khu vực.

Cụ thể, đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách phát triển công nghiệp ô tô, xe máy, trong đó trước mắt xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, sản xuất xe trong nước...

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành có liên quan xem xét gia hạn một số chính sách thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 gia hạn ưu đãi thuế cho việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cần thiết để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước theo quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP cho giai đoạn hiện nay để đảm bảo tạo điều kiện các doanh nghiệp nhập đủ sản lượng sản xuất cho một mẫu xe nhất định cho tới khi doanh nghiệp có thể tự sản xuất các linh kiện, phụ tùng trong nước, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư