Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội duy trì vị thế
Nhật Hạ - 04/08/2023 21:06
 
Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tại Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh, chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Hình thành rõ nét các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, công nghiệp, thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP của Thủ đô Hà Nội. 

Cụ thể, giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 bình quân đạt 9,2%; giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 7,43%; bình quân 2 năm 2021 - 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,7%/năm.

Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tại Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh, chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như: điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học…

Cùng với đó, Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội đã được Sở Công Thương tham mưu tổ chức triển khai từ năm 2008 đến nay và đã hình thành ngày càng rõ nét hơn các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Năm 2010, trên địa bàn TP. Hà Nội có 53 sản phẩm của 48 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực; hết năm 2022, TP. Hà Nội đã lựa chọn, công nhận 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực (tăng 143 sản phẩm, 84 doanh nghiệp).

Sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giầy; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.

Các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thực sự là những doanh nghiệp nòng cốt của ngành công nghiệp Thủ đô; luôn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến để hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của công nghiệp Thủ đô.

Ngành thương nghiệp luôn có tỷ trọng bán lẻ lớn nhất

Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, đơn vị này đã chủ động xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và triển khai từ năm 2008 đến nay. Sở đã triển khai xây dựng và tổ chức triển khai các đề án thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn như Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản trị, điều hành; Đề án đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực các doanh nghiệp cơ khí Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đáp ứng hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2020…

Cùng với đó, trên cơ sở bám sát, đồng hành gắn bó với các doanh nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ như tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, đối thoại, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn giữa các nhà quản lý nhà khoa học và nhà doanh nghiệp… 

Các hoạt động hỗ trợ của Sở Công thương Hà Nội đã được nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ủng hộ và đánh giá cao, nhiệt tình hợp tác. Đến nay, công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội đã thực sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, quan trọng, được đánh giá cao trong ngành công nghiệp của TP. Hà Nội.

Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, cầu hàng hóa thấp, sức mua giảm. Tuy nhiên, hoạt động thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn luôn duy trì tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 12,84%; giai đoạn 2016 - 2020 tăng 9,14%; giai đoạn 2021 - 2022 tăng 9,3%. 

Quy mô giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 đạt khoảng 698.000 tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần năm 2010.

Trong cơ cấu giá trị tổng mức bán lẻ, ngành thương nghiệp luôn là ngành có tỷ trọng lớn nhất (bình quân chiếm khoảng 59,3%). 

Tổng kim ngạch xuất khẩu gấp 1,93 lần

Đặc biệt, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn được bảo đảm, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết.

Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô; chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử góp phần duy trì hoạt động thương mại truyền thống, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa…

Đáng chú ý, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 tăng cao hơn giai đoạn trước với mức tăng bình quân 7,67% so với mức tăng 5,25% của giai đoạn 2011 - 2015. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2022 tăng trưởng bình quân đạt 6,16%/năm. 

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Lạm phát được kiểm soát tốt; thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. 

Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Giai đoạn 2011 - 2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm (cao hơn bình quân chung 6,67%). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá. 

Hiện thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. 

Hà Nội luôn chú trọng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320.000 tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.

Lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh. Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) của thành phố tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại. Hiện nay, 100% ngân hàng trên địa bàn đã triển khai dịch vụ internet banking, mobibanking, các loại ví điện tử, mở rộng tiện ích thẻ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. 

Hạ tầng thương mại nội địa được phát triển. Hà Nội hiện có 3 trung tâm logistics, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.840 cửa hàng tiện ích, 493 cửa hàng xăng dầu, 415 máy bán hàng tự động; 16.184 website ứng dụng thương mại điện tử,... 

Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh; chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội duy trì vị trí thứ 2 cả nước. 

Với những kết quả thực hiện Kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội đã có chuyển biến tích cực so với thời gian trước khi hợp nhất. Uy tín và vị thế của Hà Nội từng bước được nâng lên trong khu vực và quốc tế. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư