Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chìa khóa mở cánh cửa ngân hàng số
Thùy Liên - 03/05/2020 10:16
 
Thói quen người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng vì Covid-19 đang là thời cơ giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ số hóa, gia tăng sức cạnh tranh. Để nắm bắt cơ hội vàng này, các ngân hàng mong sớm có quy định cụ thể về xác thực điện tử (eKYC).
.
Giao dịch online đang trở thành kênh bán hàng “cứu tinh” của nhiều ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh.

Giao dịch online cứu nguy nhiều ngân hàng

“Trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội vừa qua, chúng tôi thấy lượng giao dịch trên các kênh online của VPBank tăng 20%, trong khi tại quầy giảm 20% và lượng hồ sơ giảm 40%. Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh, những ngân hàng nào chưa sẵn sàng hoạt động trên kênh online thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn. Điều này cho thấy, eKYC đang trở nên rất bức thiết”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết.

Không chỉ TPBank, giao dịch trên kênh online của nhiều ngân hàng cũng tăng vọt trong quý I/2020, giúp bù đắp phần nào lượng khách sụt giảm mạnh tại quầy. Đại diện VIB cho hay, trong quý đầu năm, số lượng thẻ tín dụng VIB mở mới tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019, số lượng giao dịch qua thẻ tín dụng tăng trên 60%. VIB cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trên 140% về số lượng và giá trị giao dịch qua Internet Banking và ứng dụng MyVIB.

Tại VPBank, theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc, kết thúc quý I/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ. Công ty con FE Credit của VPBank cũng chuyển dịch mạnh sang kênh số hóa, giúp khách hàng vay tiền trực tuyến, không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ bán hàng.

Trong khi đó, theo số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), từ Tết Canh Tý đến giữa tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.

Giao dịch online đang trở thành kênh bán hàng “cứu tinh” của nhiều ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh kênh này, ngân hàng cần phát triển thêm khách hàng mới. Theo quy định hiện hành, để có tài khoản ngân hàng, người dân vẫn cần mang các giấy tờ trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện xác thực (Know Your Customer), mà không cho phép xác thực điện tử (eKYC).

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, không thể có ngân hàng số nếu không có khách hàng số. Tuy nhiên, quy định xác thực trực tiếp khiến ngân hàng gặp khó khăn khi phát triển khách hàng mới.

eKYC trở thành nhu cầu bức thiết

Được biết, chìa khóa mở cách cửa ngân hàng số đã có vào năm 2019, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền. Theo đó, ngân hàng được phép xác thực điện tử nếu có biện pháp, công nghệ phù hợp.

Theo kế hoạch được NHNN đưa ra đầu năm nay, Thông tư về áp dụng xác thực điện tử (eKYC) sẽ được ban hành trước tháng 9/2020. Song trong điều kiện dịch bệnh, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại mong chờ Thông tư sẽ sớm được ban hành.

Hiện trong số các ngân hàng tại Việt Nam, mới chỉ TPBank được áp dụng thí điểm eKYC, song nhiều ngân hàng thương mại cho hay, đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ cần NHNN cho phép là có thể triển khai ngay. Các công nghệ như nhận diện khuôn mặt, vân tay, giọng nói, video call… giúp ngân hàng có thể xác thực khách hàng từ xa mà vẫn đảm bảo an toàn.

Trước kiến nghị của các ngân hàng thương mại, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu Vụ Thanh toán (NHNN) khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này.   

Thực tế, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, eKYC hoàn toàn có thể triển khai rộng rãi, tạo thuận lợi cho cả ngân hàng lẫn khách hàng. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã chấp thuận hình thức định danh khách hàng qua phương thức điện tử.

Cần được chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia

Bên cạnh gỡ rào cản pháp lý cho eKYC, các ngân hàng cũng kỳ vọng sẽ được chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia để đẩy nhanh số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật. Được biết, Dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an triển khai, dự kiến hoàn thành Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cho công dân trước ngày 1/12/2020, hoàn thành toàn bộ Dự án trước ngày 30/4/2021.
Chuyển đổi số: Ngân hàng sợ nhất rủi ro cơ chế
Câu chuyện chuyển đổi số với các ngân hàng không còn là vấn đề muốn hay không muốn, mà đã trở thành chuyện tồn tại hay không tồn tại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư