Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Chuyển đổi số: Ngân hàng sợ nhất rủi ro cơ chế
Hà Tâm - 04/10/2019 08:40
 
Câu chuyện chuyển đổi số với các ngân hàng không còn là vấn đề muốn hay không muốn, mà đã trở thành chuyện tồn tại hay không tồn tại.
Nghe bài viết này tại đây :
Tại TPBank, thông qua LiveBank, khách hàng có thể mở thẻ online và được phát hành thẻ trong vòng 8 phút.
Tại TPBank, thông qua LiveBank, khách hàng có thể mở thẻ online và được phát hành thẻ trong vòng 8 phút.

Ngân hàng số - mấu chốt không nằm ở công nghệ

Không đưa ra một định nghĩa về ngân hàng số, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) dẫn lại định nghĩa của một công ty nổi tiếng thế giới. Đó là tối đa 3 phút, khách hàng phải được đăng ký xong dịch vụ; trong 1 giây, nhà cung cấp phải trả lời khách hàng có cung cấp được hay không và cuối cùng, không có con người tham gia.

Tại Việt Nam, thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi chóng mặt, việc đặt vé máy bay, mua hàng qua mạng, đi taxi công nghệ, gọi đồ ăn qua ứng dụng, thanh toán qua mobile… đã trở thành phố biến. “Chúng ta đang sống trong thời kỳ hành vi của khách hàng thay đổi vô cùng lớn, phá vỡ mọi thói quen truyền thống”, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng số TPBank chỉ ra thách thức thực tiễn buộc các ngân hàng phải chuyển đổi. 

Một ví dụ đơn giản là, để có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng, theo quy trình truyền thống, khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để mở thẻ thanh toán và đề nghị cấp thẻ ATM. Việc mở tài khoản thanh toán có thể mất 1-2 tiếng, trong khi việc cấp thẻ ATM chậm hơn, có thể mất tới 4-5 ngày, thậm chí cả tuần.  

Tuy nhiên, tại TPBank, thông qua LiveBank, khách hàng có thể mở thẻ online và được phát hành thẻ trong vòng 8 phút. “Công nghệ là lý do khiến TPBank có thể rút ngắn quy trình từ 7-8 ngày xuống còn 8 phút”, ông Nam chia sẻ. 

Đi chậm hơn TPBank trong chuyển đổi số, tháng 4/2019, Vietcombank mới bắt tay với nhà tư vấn nước ngoài triển khai dự án chuyển đổi số và dự kiến trong quý IV/2019, Trung tâm Ngân hàng số Vietcombank đi vào hoạt động.  

Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT, Trưởng ban Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng của Vietcombank thừa nhận, có rất nhiều thách thức mà các ngân hàng chuyển đổi số phải đối mặt. Nhưng Vietcombank đã đặt ra các nguyên tắc để triển khai. Vietcombank không coi chuyển đổi số là một dự án, mà là một chiến lược để hoạt động và bắt tay hành động ngay.

“Chúng tôi đã truyền một thông điệp trong nội bộ: chuyển đổi số hay là chết. Mục đích là đảm bảo toàn bộ cán bộ hiểu được mục tiêu định hướng và cùng lãnh đạo thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số”, ông Tuấn nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Hoài Nam cho rằng, công nghệ là yếu tố cần thiết để các ngân hàng chuyển đổi số, song nếu chỉ công nghệ thì bất kỳ doanh nghiệp, ngân hàng nào cũng có thể đầu tư. Bí quyết để chuyển đổi số thành công chính là thay đổi tư duy, suy nghĩ, sẵn sàng rời bỏ những thói quen, cách làm cũ. Sự thay đổi này phải từ lãnh đạo cấp cao nhất đến từng nhân viên.  

“Sự thay đổi từ 8 ngày xuống còn 8 phút để phát hành thẻ tại ATM của TPBank chính là sự thay đổi quy trình tồn tại ở Ngân hàng hàng chục năm”, ông Nam cho biết.   

Thúc đẩy ngân hàng số, ngân hàng sợ nhất cơ chế

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, về công nghệ, các ngân hàng Việt Nam không hề thua kém các nước trên thế giới. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để các ngân hàng dám ứng dụng các sáng tạo số vào dịch vụ, sản phẩm là cơ chế cho phép hay chưa.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, hôm nay (4/10), LienVietPostBank sẽ phối hợp với đối tác nước ngoài mang Ví Việt sang Hàn Quốc để triển khai thí điểm thanh toán bằng QR Code. Theo nghiên cứu của LienVietPostBank, việc này không vi phạm quy định pháp luật về quản trị rủi ro, thanh toán quốc tế, hạn mức tiêu dùng… Tuy vậy, ông Thắng cũng băn khoăn, nếu triển khai rộng rãi thì có vướng quy định nào hay không, vì thực tế, quy định về ngân hàng số, ví điện tử, eKYC… chưa được rõ ràng.

“Chúng tôi rất mong tới đây, NHNN sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn. Với các ngân hàng, rủi ro lớn nhất không phải bị tấn công mạng, mà là pháp lý”, ông Thắng nói.  

Nếu không có khung pháp lý rõ ràng, hậu quả sẽ lớn hơn hiệu quả.

PGS-TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, không chỉ thay đổi quy trình, sản phẩm ngân hàng, mà còn tăng trải nghiệm của khách hàng. Các đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng đang phá vỡ các quy trình hiện hành, đặt ra áp lực lớn cho các nhà hoạch định chính sách về việc phải có khung pháp lý phù hợp. Nếu không có sự cởi mở, nền kinh tế sẽ nhanh chóng mất đi năng lực cạnh tranh. Song nếu không có khung pháp lý rõ ràng, hậu quả sẽ lớn hơn hiệu quả. Chúng ta phải có tinh thần tiên phong, đón nhận cái mới, nhưng để tận dụng được cơ hội, cần chuẩn bị chu đáo, tất nhiên không được quá chậm, nếu không, cơ hội sẽ trôi qua.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho ra đời nhiều ứng dụng công nghệ có thể thay đổi toàn diện hoạt động của các ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện cân bằng giữa đẩy mạnh sáng tạo, tăng tiện ích cho người dùng với quản trị rủi ro đang là bài toán khó.

Ông Phạm Tiến Dũng cho hay, Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Bộ Chính trị vừa ban hành có nhiều khác biệt: không tiếp cận theo hướng công nghệ, mà nhấn mạnh vào thay đổi nhận thức và xây dựng thể chế. Đây cũng là 2 giải pháp mà NHNN tiến hành lâu nay.

Về thay đổi nhận thức, từ năm 2017, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về fintech để đồng hành và tháo gỡ vướng mắc cùng ngân hàng, fintech. Về thể chế, ông Dũng tiết lộ, ngày 1/10, Thống đốc NHNN đã “xử lý vướng mắc” về eKYC - cánh cửa đầu tiên giúp ngân hàng chuyển đổi số. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc khác và nghiên cứu quy định về chia sẻ các dữ liệu dùng chung.

Thông tin eKYC sắp được áp dụng rộng rãi khiến các ngân hàng rất phấn khởi. Bởi khi mở được cánh cửa số đầu tiên, có khách hàng số, ngân hàng mới có thể triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số. Tuy vậy, ông Dũng chưa tiết lộ thời điểm eKYC được áp dụng. 

Trên thực tế, so với các bộ, ngành khác, NHNN là đơn vị khá cởi mở trong việc tháo gỡ cơ chế cho fintech, ngân hàng số, tiên phong trong xây dựng sandbox, cũng như gỡ bỏ các vướng mắc về ngân hàng số. Tuy nhiên, sự nhạy cảm của lĩnh vực ngân hàng buộc cơ quan quản lý phải thận trọng.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngân hàng số. Thời gian qua, NHNN đã hỗ trợ các ngân hàng trong việc chuyển đổi số như: hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các ngân hàng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn chú trọng bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…   

“Thời gian tới, NHNN sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo điều kiện cho thanh toán điện tử phát triển và sửa đổi Nghị định số 116/2013/NĐ-CP về phòng chống rửa tiền theo hướng cho phép áp dụng eKYC. NHNN cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ, trước hết là hạ tầng thanh toán điện tử, xây dựng các tiêu chuẩn về QR Code, thẻ chip…”, bà Kim Anh cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Chuyển đổi số, ICT phải được coi là kỹ năng cơ bản như đọc viết”
Chuyển đổi số là chặng đường dài nhiều thập kỷ, liên quan đến mọi người, nên muốn căn cơ thì công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư