Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng: Chuyển đổi số hay là chết
Thùy Liên - 02/10/2019 20:38
 
Câu chuyện chuyển đổi số được lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại chia sẻ chiều nay (2/10) tại một hội thảo về ngân hàng số. Hiện nay, số hóa đã trở thành vấn đề sống còn của các nhà băng, nếu không muốn bị khách hàng rời bỏ.
diền
Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng” ngày 2/10 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Số hóa: Bắt đầu ở công nghệ, thành bại ở tư duy

Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng” chiều nay, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cách mạng 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt đời sống, đòi hỏi các ngành phải thích ứng. Trong lĩnh vực ngân hàng, trên thế giới thời gian qua đã chứng kiến sự ra đời của nhiều mô hình mới: p2p, ngân hàng di động, ngân hàng chuỗi khối…đi kèm sự ứng dụng các công nghệ vào hoạt động ngân hàng như công nghệ ternet kết nối vạn vật, Bigdata, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, Blockchai… Các ngân hàng Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng chuyển đổi này.

Trên thực tế, đến nay các ngân hàng trong nước cũng đã nhận thức được, ngân hàng số là tương lai của ngành ngân hàng và cũng đã bắt tay vào chuyển đổi. Cho đến nay, rất nhiều ngân hàng đã thành lập bộ phận riêng về phát triển ngân hàng số.

Ông Phạm Anh Tuấn, ủy viên HĐQT Vietcombank cho hay, ngân hàng này triển khai dự án Chuyển đổi Ngân hàng số từ tháng 4/2019.  “Đầu tiên, chúng tôi xác định ngân hàng số là nhằm đáp ứng được mọi thay đổi đặc biệt của khách hàng, thông qua các đột phá về công nghệ. Thứ hai, cung cấp các sản phẩm từ cách truyền thống sang không gian số”.   

Nguyên tắc của Vietcombank khi chuyển đổi số, ngoài việc lấy khách hàng làm trọng tâm, là phát triển ngân hàng số song song kiện toàn năng lực hạ tầng số, hành động ngay (không mất nhiều thời gian lập kế hoạch), thực hiện ở một số phân khúc thay vì triển khai toàn diện, linh hoạt phản ứng với thị trường… Để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực, Vietcombank quyết định thuê nhân lực từ bên ngoài để Trung tâm ngân hàng số sớm đi vào hoạt động. 

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc ngân hàng số TPBank:
Công nghệ thì bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể sử dụng tiềm lực để mua, nhưng bí quyết số hóa thành công là sự thay đổi tư duy, suy nghĩ, sẵn sang rời bỏ cách làm cũ. Sự thay đổi này không chỉ ở những người phụ trách về công nghệ của ngân hàng mà ở từ lãnh đạo cấp cao nhất đến từng nhân viên

Đặc biệt, ông Tuấn cho biết, lãnh đạo Vietcombank đã truyền thông một thông điệp trong nội bộ “Chuyển đổi số hay là chết” để đảm bảo toàn bộ cán bộ vietcombank quyết tâm cùng lãnh đạo  thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng số của TPBank cho rằng, chuyển đổi số - vấn đề đòi hỏi đầu tiên là công nghệ. Tuy nhiên, chỉ công nghệ là chưa đủ, điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy.

Theo NHNN, cuộc cách mạng 4.0 có tác động lớn tới ngành ngân hàng, đòi hỏi các ngân hàng phải số hóa quy trình, nghiệp vụ để kinh doanh, cung ứng dịch vụ dễ dàng trên nền tảng số, gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.

“Chuyển đổi số là nhu cầu thiết yếu để các ngân hàng vượt qua thách thức, chủ động cạch tranh”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Hiện Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngân hàng số với hơn 96 triệu dân, cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh lớn… Ý thức chuyển đổi số của các ngân hàng cũng ngày một tăng cao. Nhiều ngân hàng đã kết nối các hệ sinh thái khác trên internet, ứng dụng ngân hàng cài đặt trên điện thoại di động, áp dụng AI, Big Data trong dự báo thị trường, phân loại khách hàng, ra quyết định giải ngân…

Cân bằng phát triển và quản lý

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại thừa nhận, chuyển đổi số là một xu hướng không thể tránh, song đây cũng là vấn đề rất khó khan. Ngoài câu chuyện vốn đầu tư, hạ tầng công nghệ, một trong những vấn đề khó khan nhất mà các ngân hàng phải đối mặt là thiếu hụt nguồn nhân lực số, khiến việc triển khai chiến lược chuyển đổi số không hiệu quả.

Một khó khăn nữa, là vướng mắc về cơ chế. “Về mặt công nghệ, ngân hàng Việt không thua kém các nước, song điều khiến các ngân hàng lo lắng nhất là rủi ro về cơ chế”, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng TMCP LienVietPostBank cho hay.

Lo lắng nhất với các ngân hàng là hiện nay, chưa có các quy định về xác thực điện tử (eKYC), cung cấp một số dịch vụ xuyên biên giới, thẻ phi vật lý, fintech…  

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban kinh tế TW:
Nếu không có sự cởi mở, nền kinh tế sẽ nhanh chóng mất đi năng lực cạnh trnah. Nhưng nếu không có khung pháp lý rõ ràng, hậu quả sẽ lớn hơn hiệu quả. Chúng ta phải có tinh thần tiên phong, đón nhận cái mới, nhưng để hiệu quả cần chuẩn bị chu đáo. Quá chậm thì hiệu quả không còn.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng nêu thực trạng: hiện nay, nhiều sản phẩm, dịch vụ sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã vượt ngoài quy trình hiện hành, chưa có quy định để điều chỉnh. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải có khung pháp lý phù hợp. Khung pháp lý này vừa phải đẩy mạnh sáng tạo, song cũng phải giảm rủi roc ho thị trường. 

Liên quan đến cơ chế trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, NHNN cam kết song hành cùng các ngân hàng, doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.  

Thời gian tới, NHNN sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo điều kiện cho thanh toán điện tử phát triển và sửa đổi Nghị định số 116/2013/NĐ-CP về phòng chống rửa tiền theo hướng cho phép áp dụng eKYC.  

Vietcombank khởi động Dự án “Chuyển đổi ngân hàng số”
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa tổ chức lễ khởi động Dự án "Chuyển đổi ngân hàng số" nhằm trở thành ngân hàng dẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư