Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng số: Cơ hội và thách thức cho hệ thống tài chính Việt Nam
Hữu Tuấn - 20/08/2019 19:21
 
Khi nhiều quốc gia đang rất hào hứng với ngân hàng số, thì một số nước khác như Trung Quốc, Mỹ lại tỏ ra e dè. Trong bối cảnh Việt Nam sắp thí điểm Mobile Money, cơ hội của ngân hàng số có vượt trội so với những thách thức mà nó tiềm ẩn?
Timo là ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam, được VPBank hậu thuẫn.
Timo là ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam, được VPBank hậu thuẫn.

Xu hướng mới của ngân hàng số

Trên thế giới, ngân hàng số hiện có 2 nhánh phát triển chính, đó là: các ngân hàng truyền thống cung cấp tất cả dịch vụ trên nền tảng số, thay vì mở rộng các chi nhánh mới; và các doanh nghiệp phi tài chính khác bắt đầu nhảy vào mở ngân hàng ảo.

Trong kỷ nguyên 4.0, ngân hàng số không thể hiểu đơn giản chỉ là những giao dịch trực tuyến hay giao dịch qua smartphone. Thay vào đó, nó phải phủ khắp các dịch vụ tài chính, tín dụng mà ngân hàng truyền thống đang cung cấp, thậm chí mở rộng sang cả những hình thái hoàn toàn mới như P2P lending (cho vay ngang hàng), tài chính toàn diện…

Ngân hàng số có rất nhiều hình thái, từ những ngân hàng ảo 100%, hoàn toàn không có chi nhánh, cho đến những ví điện tử nhỏ ở các thị trường mới nổi. Khác với châu Âu và Mỹ, hầu hết ngân hàng ảo ở châu Á đều có ngân hàng thương mại đứng sau. Ví dụ, Timo - ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam, có sự hậu thuẫn của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), còn ở Nhật Bản là Jibun - liên doanh giữa Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ với nhà mạng KDDI.

Phát triển nhanh nhất trong xu hướng ngân hàng số đang là start-up trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính). Với thế mạnh về công nghệ, các start-up này có tiềm năng để tạo ra những thay đổi chấn động và làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thị trường tài chính - ngân hàng toàn cầu. Một lực lượng cũng đáng gờm không kém là các “đại gia” công nghệ toàn cầu như Facebook (vừa giới thiệu đồng tiền ảo Libra) hay Grab (đang xin giấy phép thành lập ngân hàng số tại Singapore).

So với mô hình ngân hàng truyền thống, ngân hàng số có những điểm ưu việt về nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu lỗi sai, gia tăng năng lực cạnh tranh. Các giải pháp số cho phép các ngân hàng 4.0 tiếp cận với đông đảo người dùng hơn, mở rộng thị trường và giữ chân khách hàng lâu hơn thông qua những tiện ích công nghệ.

.

Dữ liệu lớn cho phép các ngân hàng phân tích và chấm điểm hành vi, thói quen tiêu dùng, lịch sử tín dụng của khách hàng với độ chính xác cao, từ đó đưa ra những gói sản phẩm tương thích nhất. Cũng nhờ chấm điểm tín dụng khách hàng, mà ngân hàng có thể giảm được nợ xấu, nợ khó đòi từ những khách hàng “có độ rủi ro cao”, ngược lại, chăm sóc tốt hơn và đạt được sự hài lòng cao hơn ở những khách hàng có điểm tín dụng tốt.

Trên nền tảng số có sẵn, việc các ngân hàng số mở rộng dịch vụ, cung cấp thêm tiện ích trở nên rất đơn giản. Chính vì thế, sức ép đang đè nặng lên vai các ngân hàng truyền thống, vốn có xu hướng chậm áp dụng công nghệ mới như tiền di động, trí tuệ nhân tạo, học máy, blockchain, dữ liệu lớn… 

ASEAN là một trong những khu vực phát triển nhanh về ngân hàng số. Singapore dẫn đầu về lượng khách truy cập tài khoản ngân hàng qua Internet (hơn 90%), tiếp theo là Indonesia, Malaysia và Việt Nam (khoảng 40%); Philippines và Thái Lan (20%), theo một cuộc khảo sát năm 2017 của McKinsey. Thị trường fintech ASEAN cũng thu hút khoản đầu tư tăng vọt, từ 14 triệu USD vào năm 2012, lên 338 triệu USD vào năm 2017.

Tỷ lệ sử dụng smartphone cao, hệ thống ngân hàng truyền thống còn yếu và chưa chuyên nghiệp như các ngân hàng Âu - Mỹ, lãi suất thấp, các hình thức tư vấn đầu tư nghèo nàn… chính là những đặc điểm của thị trường châu Á mà các ngân hàng ảo đang khai thác mạnh để giành khách. Đáng nói hơn, khách hàng châu Á có thể vì lãi suất cao mà dễ dàng bỏ qua những nghi ngại về thông tin cá nhân. Theo cuộc thăm dò năm 2017 của McKinsey & Co, có đến 62% người dùng không ngại ngần chia sẻ thông tin cá nhân để nhận được các sản phẩm ưu đãi, so với tỷ lệ 23% ở các quốc gia phát triển và có thu nhập cao.

Hiện nay, Chính phủ Malaysia đã xây dựng được khoảng 50% bộ khung pháp lý cho ngân hàng số và dự kiến sẽ công bố vào cuối năm nay. Tính đến nay, có khoảng 10 định chế tài chính đã “bày tỏ sự quan tâm với việc mở ngân hàng số” tại quốc gia này. Theo Chính phủ Malaysia, mục đích của bộ khung thể chế này là để “bảo vệ hệ thống ngân hàng và tài chính quốc gia, cũng như để phục vụ tốt hơn những phân khúc như doanh nghiệp nhỏ và start-up.

Singapore cũng đang dự kiến cấp 5 giấy phép ngân hàng số mới. Dù tên tuổi bên xin phép không được tiết lộ, song nhiều nguồn tin xác nhận, trong số này có Grab. Năm ngoái, Grab tuyên bố thành lập liên doanh với Credit Saison của Nhật Bản để thành lập Grab Financial Services Asia, cung cấp dịch vụ tài chính tới các doanh nghiệp nhỏ và những người dùng chưa có tài khoản ngân hàng. Grab coi 5 triệu lái xe trong mạng lưới đối tác của họ là các “doanh nhân siêu nhỏ và vừa” và mục đích của Grab Financial là giúp những đối tác này tiếp cận nguồn vốn.

Ít ai ngờ được rằng, 5 triệu đối tác nói trên đang vay của GrabPay khoản tiền lên tới 737 triệu USD, con số khổng lồ mà nhiều ngân hàng truyền thống phải mơ ước. Anthony Tan, nhà sáng lập Grab tuyên bố, mục tiêu của GrabPay là có 100 triệu “doanh nhân đối tác” sử dụng dịch vụ tín dụng của Grab vào năm 2020. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu lớn nhất Đông Nam Á, tổng hợp dữ liệu từ 191 thành phố thuộc 8 quốc gia (sử dụng dịch vụ vận tải) và 500 thành phố/thị trấn (thông qua dịch vụ trung gian thanh toán).

Cuộc đua giành thị phần

Trên thực tế, chưa có nhiều quốc gia trên thế giới mạnh về ngân hàng số. Có nhiều rào cản để các ngân hàng đầu tư mạnh cho ngân hàng số, chẳng hạn: nhiều sản phẩm tài chính hiện hành rất khó tự động hóa, các quy định và hành lang pháp lý chưa cụ thể, việc thay đổi hạ tầng kiến trúc công nghệ không đơn giản, phụ thuộc công nghệ vào nước ngoài…

Đó là lý do vì sao, tại Mỹ, quốc gia nổi tiếng về sự thực tế, ngân hàng số chưa thực sự được ưa chuộng. Theo phân tích của Tạp chí Forbes, một vài ngân hàng số đã đi vào hoạt động tại Mỹ từ hơn 10 năm trước như Simple, Chime hay Moven, nhưng tính đến tháng 6/2019, mới chỉ có 7 triệu tài khoản tiền gửi được mở tại các ngân hàng số này. Chỉ có 3% khách hàng trong độ tuổi 8x có tài khoản chính nằm ở 1 ngân hàng số, tỷ lệ này giảm chỉ còn 1,5% đối với thế hệ 9x trở về sau.

Hơn 40% khách hàng 8x ở Mỹ đang có tài khoản ngân hàng chính mở tại một trong 3 “đại gia” là Bank of America, JP Morgan Chase và Wells Fargo, dù cho quy trình của các ngân hàng này phức tạp hơn và thu nhiều khoản phí hơn. Lý do chính khiến họ lựa chọn ngân hàng truyền thống là địa điểm đắc địa của các chi nhánh và độ tin tưởng cao.

“Khách hàng không quan tâm ngân hàng họ dùng là ngân hàng số hay ngân hàng truyền thống. Khi muốn tìm kiếm lãi suất hoặc ưu đãi, họ mới dùng thử ngân hàng số”, Forbes phân tích.

Có một khuynh hướng chung của các doanh nghiệp fintech, hoặc doanh nghiệp phi ngân hàng khi nhảy vào cuộc chơi ngân hàng số là vung tiền khuyến mãi, trả lãi suất thật hấp dẫn để thu hút khách hàng thật nhanh. Không quá khi nói rằng, đây là một cuộc đua “đốt tiền” để tăng quy mô thị phần, với lợi thế thuộc về những doanh nghiệp có dòng vốn hùng hậu.

Một trung tâm tài chính lớn của châu Á là Hồng Kông cũng tỏ ra e dè đối với ngân hàng số. HSBC, ngân hàng dẫn đầu về thị phần tài chính tại Hồng Kông lo ngại vị thế của họ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi 8 ngân hàng mới, hoạt động 100% trên môi trường số vừa được Ủy ban Tiền tệ Hồng Kông cấp phép ngân hàng ảo gần đây. Trong số này, có 2 tập đoàn Internet “đại gia” của Trung Quốc là Tencent và Alibaba, cùng một số start-up fintech.

“Lợi nhuận của HSBC có thể sụt giảm mạnh khi buộc phải giảm phí hoặc đưa ra mức lãi suất tiền gửi cạnh tranh hơn để phản ứng lại chính sách miễn phí hoặc lãi suất siêu hấp dẫn mà các tân binh ngân hàng ảo chào mời. Nhiều khả năng, sau HSBC, các ngân hàng truyền thống khác cũng phải áp dụng chính sách này nếu không muốn bị khách hàng ào ào bỏ đi. Doanh thu của HSBC tại châu Á có thể giảm tới 17% do ngân hàng số”, Goldman Sachs dự đoán. Đó là chưa kể, các ngân hàng còn phải tăng mạnh đầu tư cho công nghệ để cạnh tranh được với những gã khổng lồ như Tencent và Alibaba.

Tầm quan trọng của chính sách

Trước sự lo lắng của các ngân hàng truyền thống, nhà chức trách Hồng Kông khẳng định, sẽ giám sát chặt hoạt động của các ngân hàng ảo, đặc biệt là phản ứng của khách hàng cũng như tác động của ngân hàng ảo đến thị trường ngân hàng nói chung.

Chính phủ Singapore cũng có quy định khá chặt chẽ dành cho các ngân hàng ảo và có thiên hướng “bảo hộ” cho Grab, doanh nghiệp con cưng của họ trước các fintech hoặc định chế phi ngân hàng nước ngoài.

Họ chia ngân hàng số thành 2 loại: ngân hàng số hoàn chỉnh cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính và có thể nhận tiền gửi tiết kiệm từ khách hàng lẻ; ngân hàng số bán buôn, chỉ được phục vụ các khách hàng tổ chức, doanh nghiệp, chứ không được tiếp cận thị trường bán lẻ.

Cơ quan Tiền tệ Singapore tuyên bố, chỉ những công ty đặt trụ sở chính tại Singapore, do người Singapore điều hành mới được nộp hồ sơ xin cấp phép ngân hàng ảo đầy đủ. Các doanh nghiệp nước ngoài chỉ có thể nộp hồ sơ nếu họ liên doanh với một doanh nghiệp nội địa đáp ứng yêu cầu về đặt trụ sở. Yêu cầu này được cho là để đảm bảo “yếu tố nội địa mạnh trong hệ thống ngân hàng” của Singapore, giúp Chính phủ nước này kiểm soát và điều tiết được thị trường.

Với hạng mục ngân hàng số bán buôn, các doanh nghiệp có thể xin giấy phép tương đối thoải mái, mà không phải chịu sự ràng buộc về trụ sở chính cũng như lãnh đạo điều hành mang quốc tịch Singapore, nhưng cũng cần một khoản vốn thanh toán tối thiểu là 100 triệu đô la Singapore.

Tại châu Âu, quy trình cấp phép ngân hàng số ở hầu hết các nước đều rất khó khăn. Tại Anh, dù quy trình đã được rút ngắn hơn để khuyến khích cạnh tranh, nhưng Starling Bank vẫn phải mất 18 tháng mới nhận được giấy phép cung cấp dịch vụ “giới hạn” và 25 tháng để có được giấy phép đầy đủ. Trước đó, Starling Bank chỉ dự trù 6 tháng để xin được giấy phép.

Còn tại Trung Quốc, thị trường đang phải hứng chịu nhiều hệ lụy sau một thời gian dài quá cởi mở với ví điện tử và fintech, Chính phủ Trung Quốc đang có những hành động để siết lại thị trường tài chính và ngân hàng số nhằm bảo vệ nền kinh tế vĩ mô và sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.

Trước đây, các ngân hàng truyền thống Trung Quốc thường tránh các giao dịch nhỏ hoặc ở khu vực xa xôi, hẻo lánh vì cho rằng, những giao dịch này vừa rủi ro, vừa không tạo ra doanh thu đáng kể.

Đây là một sai lầm chí tử của họ. Thực tế đã cho thấy, từng giao dịch đơn lẻ có thể nhỏ về quy mô, nhưng tổng số lượng giao dịch trên toàn thị trường lại tạo ra một quy mô mà mọi ngân hàng đều phải thèm muốn. Đơn cử, riêng tiền phí giao dịch thẻ mỗi năm mà các ngân hàng bị mất vì AliPay hay WeChat Pay lên tới 23 tỷ USD, bằng 5 - 8% tổng doanh thu của họ.

Năm 2018, xét về cả 3 phương diện tăng trưởng tài sản, lợi nhuận và các khoản nợ xấu, hai ngân hàng ảo của Alibaba (MyBank) và Tencent (WeBank) đều thể hiện vượt trội so với các ngân hàng truyền thống. Cụ thể, tổng tài sản của WeBank tại thời điểm cuối năm 2018 đã vượt mốc 220 tỷ nhân dân tệ, tăng tới 169% so với đầu năm. Nền tảng khách hàng của WeBank đã vượt 100 triệu người vay và doanh thu năm 2018 tăng 48% so với cùng kỳ, đạt 10,03 tỷ nhân dân tệ; lãi ròng tăng 70%, đạt 2,47 tỷ nhân dân tệ.

Tương tự, MyBank cũng ghi nhận doanh thu năm 2018 tăng trưởng 47% so với 2017, đạt 6,28 tỷ nhân dân tệ. Lãi ròng của MyBank tăng trưởng 66,09% và đạt 12 triệu khách hàng vay vốn, tập trung ở thị trường nông thôn.

Tài chính toàn diện đều là hướng đi chiến lược của cả hai ngân hàng số này. Do đó, họ liên tục hạ thấp lãi suất cho vay vốn để thu hút khách hàng. Mô hình kinh doanh của cả hai đều phụ thuộc vào việc tận dụng thị trường vốn ngân hàng nội địa. WeBank hay MyBank đã hút sạch dòng tiền gửi khỏi các ngân hàng, dù lúc đầu, cả hai ngân hàng này đều tuyên bố không cạnh tranh với ngân hàng truyền thống.

Đến lúc này, Chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng, để mặc cho thị trường fintech và những hình thái tài chính mới như cho vay ngang hàng phát triển quá nóng khi chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ nghiêm đã đẩy nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính lên rất cao.

Thật khó tin là Trung Quốc lại để lỏng cả một mảng kinh doanh lớn như fintech và ngân hàng ảo, khi các khối ngân hàng và tài chính khác luôn chịu sự quản lý rất chặt chẽ và minh bạch từ trước tới nay.

Nhận ra sai lầm này, nhà chức trách Trung Quốc đang tiến hành siết chặt nguồn vốn và tiền gửi vào MyBank, WeBank khi yêu cầu hai ngân hàng ảo này cũng phải tuân thủ các quy định tương tự như ngân hàng truyền thống. Sự cạnh tranh “không bình đẳng” giữa hai mô hình cũ - mới khiến cho các ngân hàng suy yếu rõ rệt, phải đóng cửa nhiều chi nhánh và máy ATM, trong khi, Chính phủ luôn cần hệ thống ngân hàng tồn tại và phát triển để đảm bảo kiểm soát dòng tiền ra nước ngoài cũng như điều tiết nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngân hàng ảo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rửa tiền hoặc trợ vốn cho các hoạt động mờ ám, tham nhũng. Do đó, Trung Quốc buộc phải tăng thêm quyền lực cho Ngân hàng Trung ương, đặc biệt là trong vai trò giám sát và phối hợp với các nhà làm luật để siết khu vực tài chính toàn diện chặt hơn.

Một số chính phủ cho phép áp dụng mô hình thí điểm trong phạm vi hạn chế (regulatory sandbox) để đánh giá tác động của một xu hướng fintech mới. Tuy nhiên, với một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng rộng và mang tính chất nhạy cảm với an ninh tiền tệ như ngân hàng số, kể cả cách tiếp cận sandbox cũng cần rất thận trọng. Cho phép thí điểm dịch vụ nào, quy mô ra sao, bao nhiêu doanh nghiệp được sandbox, các doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể ra sao về vốn ký quỹ, hệ thống kỹ thuật, báo cáo hoạt động định kỳ… đều cần được quy định rõ trước khi tiến hành…

Đặc biệt, hành lang pháp lý cần chú ý những vấn đề then chốt như giám sát dòng tiền của các ngân hàng ảo để giảm thiểu nguy cơ rửa tiền, tài trợ tiền cho các hoạt động phi pháp, đặc biệt là với những ngân hàng ảo có yếu tố vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có các công cụ kỹ thuật để giám sát doanh thu, ghi nhận thuế, quy định về lưu trữ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuân thủ Luật An ninh mạng…

Người dân được hưởng gì từ ngân hàng số?
Thế giới tiến vào cách mạng công nghiệp 4.0 khiến thói quen tiêu dùng thay đổi, trong đó có việc sử dụng ngân hàng số (digital banking). Bắt nhịp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư