Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng số sẽ dần thay thế mô hình truyền thống
A.T - 19/02/2019 16:01
 
Theo ông Đỗ Danh Thanh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin, Công ty PwC Consulting Việt Nam, ngân hàng số (digital banking) đang là xu thế tất yếu, đòi hỏi tất cả các ngân hàng trên toàn cầu phải chuyển đổi toàn diện mô hình hoạt động truyền thống hiện có.
.
Ông Đỗ Danh Thanh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin, Công ty PwC Consulting Việt Nam.

Ông nhận xét như thế nào về tiềm năng phát triển ngân hàng số?

Nếu ngân hàng điện tử cho phép khách hàng thực hiện một số tính năng như thanh toán, chuyển tiền hay kiểm tra số dư tài khoản trên kênh trực tuyến, thì ngân hàng số có thể cung cấp tất cả các dịch vụ và sản phẩm trực tuyến thông qua các thiết bị di động. Mô hình ngân hàng số có thể đáp ứng 3 tiêu chí cốt lõi về tính đơn giản, tính kết nối và tính hiệu quả.

Các sản phẩm và dịch vụ linh hoạt của ngân hàng số mang lại nhiều lợi ích, với mức độ tương tác cao, không chỉ giữa khách hàng và ngân hàng, mà còn mở rộng đến bên thứ ba là các đối tác hoặc người dùng cuối. Hơn nữa, với quy mô và mức đầu tư tương đương, ngân hàng số có thể phục vụ khách hàng và đem lại lợi ích kinh tế gấp nhiều lần so với mô hình truyền thống. Một ví dụ điển hình là ngân hàng số Digibank (Ấn Độ) đã có hơn 1,8 triệu khách hàng và bắt đầu có lợi nhuận chỉ sau 18 tháng đi vào hoạt động.

Trong khảo sát toàn cầu năm 2018 của PwC về ngân hàng số, 15% số người được hỏi đã sử dụng điện thoại di động là phương tiện chính để giao dịch với ngân hàng (tỷ lệ này năm 2017 là 10%).

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy, các giao dịch tài chính qua điện thoại di động năm 2017 tại Việt Nam tăng 81%, trong khi các giao dịch trực tuyến tăng 67% so với năm trước đó.

Có thể nói, dù thực tế nhiều khách hàng vẫn gắn bó với ngân hàng truyền thống, nhưng ngân hàng số có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và kỳ vọng sẽ thay thế dần mô hình truyền thống.

Thực tế triển khai ngân hàng số hiện nay ra sao, thưa ông?

Cùng với nhiệm vụ đề ra của Chính phủ nhằm hướng đến nền kinh tế không sử dụng tiền mặt sau năm 2020 và có ít nhất 2 ngân hàng Việt Nam nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản tại châu Á, cuộc cạnh tranh trong ngành ngân hàng có thể thu gọn lại trong một bài toán: ngân hàng nào thắng trong cuộc đua chuyển đổi ngân hàng số sẽ có thể chiếm lĩnh được thị trường nội địa rất tiềm năng và tiến ra khu vực.

Theo đánh giá của PwC, hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đã hoặc đang bắt đầu triển khai hệ thống ngân hàng lõi kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và thanh toán kỹ thuật số. Một số ngân hàng đã cho phép thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng ngân hàng di động, thậm chí chuyển tiền qua mạng xã hội hay rút tiền mặt từ ATM mà không cần thẻ. Việt Nam đã có ngân hàng số sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu để đồng bộ hóa dữ liệu và hỗ trợ phân tích hành vi của khách hàng. Đây đều là những bước phát triển rất tích cực.

Theo ông, các ngân hàng nên bắt đầu việc chuyển đổi số như thế nào?

Hiện có 3 cách thức tiếp cận chính mà PwC đã đúc kết được khi thực hiện chuyển đổi số tại các ngân hàng.

Phương pháp đầu tiên là thành lập một bộ phận kỹ thuật số dưới sự quản lý của giám đốc điều hành và tham gia toàn bộ trong qua trình chuyển đổi. Với lợi thế tham gia trực tiếp và am hiểu khách hàng, phương pháp này lấy khách hàng là cốt lõi và nhanh chóng đưa trải nghiệm số đến với khách hàng của mình.

Phương pháp thứ hai là thành lập riêng một tổ chức tách biệt với ngân hàng truyền thống cũ. Với sự tách biệt đó, tổ chức ngân hàng số sẽ tập trung vào khả năng sáng tạo và thử nghiệm để tạo ra những xu hướng mới và áp dụng quy mô lớn hơn tại tổ chức ban đầu.

Phương pháp thứ ba là xây dựng bộ phận chuyển đổi tích hợp với trách nhiệm giải quyết nhu cầu khách hàng hiện tại bằng các giải pháp số hóa. Với cách thức này, ngân hàng hoàn toàn tập trung vào nhu cầu khách hàng và có thể kết hợp với các công ty khởi nghiệp về Fintech để triển khai các giải pháp đã chứng thực hiệu quả.

Tuy mỗi phương pháp tiếp cận có những hạn chế nhất định, nhưng đây là những cách thức khả thi đã mang lại thành công cho nhiều ngân hàng trên toàn cầu. PwC cho rằng, các ngân hàng Việt Nam cũng nên cân nhắc chọn một trong ba phương pháp này (tùy vào đặc trưng của mình) để xây dựng ngân hàng số.

Một cách khách quan, liệu các ngân hàng Việt Nam đã thực sự sẵn sàng phát triển ngân hàng số?

Nhìn lại quá trình chuyển đổi thành công của các ngân hàng trong khu vực, có thể nhận diện các động lực phổ biến như cơ cấu dân số thay đổi, công nghệ tốt và rẻ hơn, nhu cầu tối đa hóa hiệu suất sử dụng vốn, hành lang pháp lý mở và linh hoạt. Những yếu tố này thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi để phục vụ nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng và phức tạp.

Việt Nam được đánh giá là hội đủ các động lực trên và là thị trường tiềm năng để chuyển đổi ngân hàng số. Để thực hiện điều này, các ngân hàng cần bắt đầu từ việc xây dựng tầm nhìn và chiến lược số hóa, từ đó đánh giá lại hiện trạng và chọn lựa phương pháp tiếp cận thích hợp để hiện thực hóa lộ trình chuyển đổi với những mục tiêu thật cụ thể gắn liền với hiệu quả kinh tế.

Hơn 30 ngân hàng tại châu Á triển khai thành công ngân hàng số

Tại châu Á, hơn 30 tổ chức ngân hàng đã triển khai thành công ngân hàng số, như DBS (Singapore, đoạt Giải thưởng Ngân hàng số tốt nhất thế giới năm 2016 và 2018 do Euromoney bình chọn), Shinhan Bank (Hàn Quốc), CBA (Australia), Jibun Bank (Nhật Bản)…

Tại Việt Nam, Timo (được bảo trợ bởi VPBank) là ngân hàng số duy nhất đến thời điểm hiện tại.

Cơ quan quản lý lo lừa đảo, ngân hàng số khó đột phá
Nhiều ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm cho phép áp dụng thí điểm định danh khách hàng qua kênh điện tử (eKYC). Tuy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư