Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chiến lược thúc đẩy tăng trưởng du lịch mới của Hàn Quốc tại Việt Nam
Trần Hà - 30/04/2017 15:36
 
Tung ra các sản phẩm mới, tiếp thị trực tiếp tới các doanh nghiệp lữ hành, tận dụng mọi cơ hội quảng bá du lịch là chiến lược mới mà ngành du lịch Hàn Quốc đang thực hiện tại thị trường Việt Nam.

Cơ hội đầu tiên trong chiến lược này phải kể tới là FIFA U20 World Cup 2017 sẽ được tổ chức từ 20/5 - 11/6 tại 6 thành phố Jeonju, Incheon, Daejeon, Cheonan, Seogwipo và Suwon.

Mặc dù, đội tuyển U20 Việt Nam chỉ tham dự 3 trận đấu với Newzealand, Pháp và Honduras tại 2 thành phố của Hàn Quốc là Cheonan và Jeonju, tuy nhiên, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO) hiện đã hoàn tất việc quảng bá và chốt lịch book vé cho các công ty du lịch gồm Dolphin Tour; Global Tour; M Tour; TransViet; TST Tourist; Vietravel Hanoi và Vietravel HCM để đưa khách tới Hàn Quốc.

Du lịch Hàn Quốc kỳ vọng tạo ra đột phá mới trong thiết kế các sản phẩm tour qua 40 lộ trình du lịch nông thôn vừa được tiếp thị tại Việt Nam.
Du lịch Hàn Quốc kỳ vọng tạo ra đột phá mới trong thiết kế các sản phẩm tour qua 40 lộ trình du lịch nông thôn vừa được tiếp thị tại Việt Nam.

Cùng với đó, danh sách quảng bá những điểm đến du lịch dành riêng cho du khách tới Hàn Quốc dịp này cũng khá đa dạng.

Cụ thể, những điểm đến được giới thiệu và ghép vào các tour khi du khách xem Fifa gồm làng văn hóa dân tộc Jeonju Hanok (29, Eojin-gil, Wansan-gu, Jeonju); bảo tàng Quốc gia Jeonju; dịch vụ đạp xe trên đường ray tại làng Jeonju Hanok; công viên văn hóa và lịch sử Hàn Quốc (Gyocheonjisan-gil, Dongnam-gu, Cheonan); đền Gakwonsa (San, Anseo-dong, Cheonan) hay công viên Cheonan (Cheonan Three-way Intersection Park, Chungjeol-ro, Dongnam-gu, Cheonan)….

Được biết, kế hoạch quảng bá nhằm thu hút khách du lịch đến Hàn Quốc nhân sự kiện FIFA U20 World Cup không phải là chiến lược chỉ thực hiện tại Việt Nam bởi theo dự kiến của ngành du lịch Hàn Quốc, lượng khách thông qua sự kiện thể thao này sẽ rơi vào khoảng 6.000 khách đến từ 24 quốc gia khác nhau.

Riêng Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại, số ghế được các công ty du lịch book xem các trận đấu bóng đá là 487 ghế.

Mặc dù vậy, điểm đáng chú ý không phải là lượng ghế book nhiều hay ít mà những điểm đến được giới thiệu gắn với các thành phố diễn ra các trận đấu thể thao này đều là những điểm du lịch ở vùng nông thôn.

Trong khi đó, phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn đang là chiến lược mới được Hàn Quốc thực hiện dành riêng cho thị trường các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.   

Chiến lược này được thực hiện trong bối cảnh năm 2016, du lịch nông thôn Hàn Quốc mới thu hút chủ yếu là khách du lịch nội địa với 10 triệu lượt khách, trong khi, khách du lịch quốc tế đi theo loại hình này mới chỉ đạt 160.000 lượt.

Riêng tại thị trường Việt Nam, mới đây, đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hàn Quốc, Kim Jae Soo đã sang giới thiệu trực tiếp các điểm du lịch nông thôn tới các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam.

Hàn Quốc có tới 953 ngôi làng nghỉ dưỡng có thể phục vụ nhu cầu thăm quan của khách du lịch.

Theo kế hoạch, 40 lộ trình du lịch tới các vùng nông thôn, làng quê và các vùng tự trị của Hàn Quốc gắn với 4 chủ đề gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch truyền thống và du lịch sức khỏe sẽ được các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đưa vào lịch trình các tour đưa khách Việt sang Hàn Quốc thời gian tới.

Đại diện KTO cũng khẳng định, trước đó, các điểm đến của nông thôn Hàn Quốc như trải nghiệm hái dâu tây, làm vườn…đã được đưa vào lịch trình tour của các đơn vị lữ hành Việt Nam, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ngành du lịch Hàn Quốc thực sự chú ý tới việc quảng bá và giới thiệu loại hình du lịch này tới khách quốc tế.

Phía KTO cũng cho biết, hiện, việc các doanh nghiệp đưa khách đi theo các tour này chưa được hỗ trợ nhưng thời gian tới KTO sẽ có những bước đi bài bản và có thể có hỗ trợ để các doanh nghiệp tích cực thiết kế ra những tour gắn liền với những điểm đến tại các vùng nông thôn.  

Được biết, Hàn Quốc có tới 953 ngôi làng nghỉ dưỡng có thể phục vụ nhu cầu thăm quan của khách du lịch. Tuy nhiên, các ngôi làng hiện mới phục vụ chủ yếu khách du lịch nội địa.

Mới đây, tại Hà Nội, Tập đoàn hàng đầu về du lịch khách sạn, nghỉ dưỡng Hàn Quốc là Lotte cũng đã kết hợp với KTO trực tiếp tiếp thị tới các doanh nghiệp lữ hành Việt về những sản phẩm mới của tập đoàn này.

Theo đó, Tập đoàn này đã giới thiệu tới các doanh nghiệp lữ hành Việt điểm đến mới là Lotte World Tower, 123 tầng, cao 555 m vừa khai trương tại Seoul tháng 4 vừa qua với những thông tin khá hoành tráng như sở hữu cửa hàng miễn thuế lớn nhất Hàn Quốc quy tụ 700 nhãn hiệu quốc tế, rạp chiếu phim lớn nhất châu Á và đài quan sát cao nhất Hàn Quốc (Seoul Sky).

Những bước chuyển trong chiến lược hút khách du lịch Việt Nam cũng như các nước lân cận từ phía Hàn Quốc thời gian qua có thể dễ dàng lý giải khi ngành du lịch nước này đang chịu sự ảnh hưởng khá nặng nề từ việc sụt giảm mạnh lượng khách Trung Quốc, do đó, ngành du lịch Hàn Quốc đang đưa ra những chính sách quảng bá mới tại những thị trường có lượng khách tăng trưởng cao như Việt Nam với kỳ vọng có thể bù đắp được việc sụt giảm doanh thu bị ảnh hưởng thời gian qua.    

Năm 2016, lượng khách Việt Nam sang Hàn Quốc tăng gần 54% so với năm 2015, tăng 75,4% so với năm 2014.

Theo thống kê từ KTO, lượng khách du lịch Việt Nam sang Hàn Quốc những tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng. Thống kê cho thấy, khách Việt Nam sang Hàn Quốc tháng 1,2,3/2017 lần lượt đạt 13.193; 19.021 và 25.159 lượt.

Du lịch bội thu nhờ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều có đánh giá khá khả quan về tình hình kinh doanh du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay mặc dù kỳ nghỉ này vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư