Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chiêu trò bên trong cuộc khủng hoảng trần nợ ở Mỹ
GS - TS. Trần Ngọc Thơ - 10/10/2013 07:52
 
Thận trọng trước một số chiêu trò kích động thị trường của giới tài phiệt trong bối cảnh khủng hoảng trần nợ và đóng cửa chính phủ ở Mỹ. Nghị sĩ nào giúp chính phủ Mỹ "nghỉ xả hơi"
TIN LIÊN QUAN

Theo giới quan sát, nếu chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, với mức thiệt hại dự kiến khoảng 300 triệu USD/ngày, thì việc Chính phủ Mỹ đóng cửa do 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ bất đồng ngân sách hoạt động sẽ không là vấn đề gì quá lớn. Điều tệ hại sẽ đến nếu việc đóng cửa chính phủ kéo dài quá lâu.

Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa gây thiệt hai khoảng 300 triệu USD/ngày và tác động trực tiếp tới đời sống của hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ

Dù vậy, giới quan sát cho rằng, cuối cùng 2 đảng cũng sẽ có những thỏa thuận để Chính phủ hoạt động trở lại.

Biến cố khiến không những người dân Mỹ, mà cả thế giới đều lo ngại, ngay cả khi Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại, là liệu Quốc hội có đồng ý nâng trần nợ vào ngày 17/10 sắp đến.

Biến “cuộc chiến” trần nợ thành khủng hoảng nợ

Theo Hiến pháp, mỗi năm Quốc hội Mỹ sẽ quyết định số lượng thâm hụt và thặng dư ngân sách, để từ đó quyết định cần phải chi tiêu bao nhiêu và thu bao nhiêu thuế để bù đắp.

Phần thiếu hụt sẽ được Quốc hội định ra một giới hạn pháp lý để Bộ Tài chính bán trái phiếu thu tiền về trang trải cho các khoản thâm hụt.

Trần nợ, vì vậy là giới hạn pháp lý của tổng giá trị trái phiếu mà Bộ Tài chính có thể bán trên thị trường.

Chính phủ Mỹ có rất nhiều khoản để thanh toán, như thanh toán an sinh xã hội, chi cho các bang, chi trả cho các chủ nợ mua trái phiếu. Nếu Chính phủ không có khả năng thanh toán an sinh xã hội hay cho các bang, thì vấn đề không đến nỗi nghiêm trọng lắm. Nhưng sẽ là thảm họa nếu không thanh toán đủ và đúng hạn cho các trái chủ, tức người mua trái phiếu chính phủ.

Cũng giống như năm 2011, lần này Đảng Cộng hòa lại dùng trần nợ và ngân sách để chống lại Chính quyền của Tổng thống Barack Obama với ý đồ ngăn cản chính phủ chi tiêu vào các chương trình đã được quốc hội thông qua. Chẳng hạn như chương trình cải cách y tế Obamacare đã biến thành luật và Tòa án Tối cao đã chuẩn y.

Điều nguy hiểm là, Đảng Cộng hòa cố tình cản trở chương trình này dựa trên giả thuyết là đại bộ phận người dân Mỹ ghét Chính phủ và do đó, họ muốn giành lại ghế tổng thống vào năm 2016 hơn là cản trở Obamacare. Đâu phải Obamacare, Đảng Cộng hòa còn chống lại hầu hết chương trình khác như các chương trình chống biến đổi khí hậu, chương trình hỗ trợ thực phẩm cho bà mẹ và trẻ em…

Phe Cộng hòa cho đến giờ bằng mọi cách thuyết phục người dân rằng, nếu xảy ra cuộc khủng hoảng trần nợ thì nước Mỹ sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng nợ giống như Hy Lạp. Thậm chí, nhiều nhà kinh tế nổi tiếng của Đại học Harvard như giáo sư Reinhart và Rogoff mới đây đã công bố nghiên cứu cho thấy, nếu mức nợ công vượt quá 90% GDP thì kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ.

Trong khi nợ công của Mỹ hiện gần 16.700 tỷ USD, tức xấp xỉ 100% GDP, phe Dân chủ lại cho rằng, khủng hoảng trần nợ không phải là khủng hoảng nợ. Lãi suất mà Chính phủ Mỹ trả cho các chủ nợ nắm giữ trái phiếu gần như là 0% do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED - với vai trò là ngân hàng trung ương) liên tục bơm tiền đẩy lãi suất xuống thấp nên sẽ không có khả năng Chính phủ không thể thanh toán tiền lãi cho tháng tới, 2 tháng tới hoặc 6 tháng tới. Do đó, nhiều nhà kinh tế đã phản biện khi cho rằng, các nghiên cứu của 2 giáo sư Reinhart và Rogoff vẫn còn nhiều lỗ hổng với trường hợp của nước Mỹ.

“Mẹ của các cuộc khủng hoảng tài chính”

Mặc dù vậy, nếu Quốc hội không đồng ý nâng mức trần nợ thì tính bất định trong tương lai sẽ là điều chắc chắn xảy ra với kinh tế Mỹ. Có thể dự báo cơ chế truyền động của tính không đoán trước được này như sau:

Đầu tiên, các trái chủ đưa ra giả thuyết rằng, Chính phủ Mỹ không có khả năng thanh toán kịp thời lãi và có thể là trả nợ gốc cho một số trái phiếu đến hạn. Đến nay, các nhà đầu tư trên toàn thế giới đều xem trái phiếu chính phủ Mỹ là tài sản an toàn nhất, không có rủi ro. Nay nếu giả thuyết này không tồn tại, thì trái phiếu chính phủ trở thành tài sản có rủi ro.

Tiếp theo, các nhà kinh tế đưa ra lập luận sau: “Do lãi suất phi rủi ro của trái phiếu chính phủ Mỹ là mức tham chiếu để định giá các loại tài sản khác, nên nếu nhà đầu tư không thể đánh giá đúng giá trị của trái phiếu chính phủ, hiện là tài sản “rủi ro”, thì họ cũng sẽ không thể đánh giá đúng bất kỳ tài sản nào khác trên toàn thế giới”.

Thị trường tài chính toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng mất phương hướng. Điều chắc chắn xảy ra đầu tiên là, lãi suất USD tăng lên do mọi người tìm cách bán trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này sẽ làm cho niềm tin của người tiêu dùng và của doanh nghiệp giảm xuống mức thấp nhất và thị trường chứng khoán rơi vào cảnh hỗn loạn.

Kết cục này làm cho chính sách 4 năm nay mà FED theo đuổi là “hiệu ứng giàu có” (wealth effect) trở thành số không. Hiệu ứng giàu có là mục đích mà các chương trình nới lỏng định lượng hướng đến thông qua các gói QE1, QE2, QE3 bằng việc FED bơm hàng ngàn tỷ USD vào thị trường với hy vọng làm cho giá chứng khoán tăng lên. Khi giá chứng khoán tăng lên, mọi người cảm thấy mình giàu lên và từ đó chi tiêu nhiều hơn. Nếu điều ngược lại xảy ra, hiệu ứng giàu có mất đi, thì người tiêu dùng Mỹ sẽ giảm chi tiêu và nước Mỹ tiếp tục rơi vào suy thoái kinh tế.

Đây là điều mà cho đến giờ không ai đánh giá hết được tác động của chúng đến thị trường tài chính toàn cầu. Thậm chí, còn để lại hậu quả lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chỉ liên quan đến niềm tin về các chứng khoán thế chấp của khu vực tư nhân.

Còn vấn đề trần nợ lại liên quan đến niềm tin về trái phiếu chính phủ. Chính vì vậy, nhiều nhà kinh tế Mỹ còn gọi vấn đề trần nợ là “Mẹ của các cuộc khủng hoảng tài chính”. Nếu Quốc hội Mỹ không nâng mức trần nợ, thì đó sẽ là một thảm họa tài chính thực sự, là một cuộc tự sát tài chính tập thể quy mô toàn thế giới.

Đây là một kịch bản quá đen tối nên giới quan sát cho rằng, Chính phủ Mỹ có khả năng sẽ không thể để xảy ra. Điều này có nghĩa là, sẽ có một thỏa thuận nào đó giữa 2 đảng trong thời gian từ nay đến ngày 17/10 để làm sao giữ được thể diện của cả hai. Rất có thể, hai bên sẽ để mức trần nợ được nâng lên ở một mức nào đó, rồi treo lại đến một thời điểm nào đó trong tương lai, sau đó lại đem ra thảo luận tiếp như đã từng diễn ra vào tháng 8/2011.

Liệu có lối thoát cho cuộc khủng hoảng trần nợ?

Cuộc khủng hoảng trần nợ lần này liệu có kết cục có hậu giống như lần trước? Về câu hỏi này, giới quan sát cho rằng, so với 2 năm trước đây, hiện Tổng thống Barack Obama phải đương đầu với một thế lực mới trong Đảng Cộng hòa là Phong trào Tea Party. Đây là một thế lực nổi lên từ năm 2009 luôn kiên định chủ trương giảm nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách liên bang bằng việc giảm chi tiêu chính phủ và giảm thuế. Cuộc tranh luận trần nợ lần này, vì vậy là vấn đề dài hạn thực sự đối với nước Mỹ. Tổng thống Barack Obama hiện đã thực sự rơi vào một mớ bòng bong khó có lối thoát.

Trên thực tế, theo thăm dò, ngay cả những người chống đối đạo luật Obamacare cũng không đồng tình với cách Đảng Cộng hòa để cho chính phủ ngừng hoạt động. Đối với người dân Mỹ, điều mà họ lo ngại nhất, với cách thức xử lý những bế tắc chính trị gần đây, có khả năng sẽ xuất hiện một dạng “chủ nghĩa cộng hòa” trong chính trường Mỹ. Ngay trong nội bộ Đảng Cộng hòa cũng có một số bất đồng nếu để cho tình trạng đóng cửa chính phủ và trần nợ diễn ra ngoài vòng kiểm soát.

Người mở ra tín hiệu đầu tiên về việc có khả năng thương thảo về các rắc rối này là John Boehner, Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa. Ông tuyên bố người dân Mỹ và chính ông không muốn chứng kiến chính phủ ngừng hoạt động và mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, vấn đề là người dân Mỹ khó tin ông kiểm soát được phong trào Tea Party trong đảng của mình.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, thực ra Đảng Dân chủ cũng “tương kế tựu kế” trong trường hợp Chính phủ đóng cửa. Họ muốn mượn vấn đề đóng cửa chính phủ và cuộc khủng hoảng trần nợ là một cái cớ để rồi cuối cùng, Chính phủ Mỹ cũng sẽ hoạt động trở lại và vấn đề trần nợ cũng sẽ được gia hạn một lần nữa. Để tăng thêm trọng lượng cho cái cớ này, mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã cho công bố 1 nghiên cứu cho rằng, nếu Chính phủ mất khả năng thanh toán thì đó sẽ là một thảm họa không có hồi kết. Chưa hết, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra những nhận định tương tự như Bộ Tài chính Mỹ. Người Mỹ ví von câu chuyện giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ như việc người vợ trách chồng mình say xỉn sau một chầu nhậu; còn người chồng thì phản ứng lại: “Tôi say xỉn thật đấy, nhưng ngày mai khi tôi tỉnh rượu thì bà mới chính là người xấu xí”!

Một loại hiến pháp kỳ bí

Người dân Mỹ đã quá quen thuộc với những diễn biến như thế trên chính trường Mỹ. Người Mỹ gọi hiến pháp của họ là cái gì đó giống như “constitutional monstrosity” - tức hiến pháp kỳ bí. Theo đó, mọi người có thể đe dọa lẫn nhau để đạt được mục đích của mình. Trong trường hợp này, Đảng Cộng hòa không thông qua ngân sách hoạt động, để cho Chính phủ đóng cửa, với mục tiêu cuối cùng là bác bỏ đạo luật Obamacare.

Trong cái hiến pháp bí hiểm đó, đến giờ, người dân Mỹ và cả thế giới đều thấy rõ 2 đảng không bao giờ tranh luận hay quan tâm đến quy mô của chính phủ hiện nay ra sao nếu ngừng hoạt động. Họ cũng không bao giờ lắng nghe triết lý của nhau đúng, sai thế nào.

Họ chỉ đang tranh luận về lộ trình sắp tới thế nào, tranh luận ai của Đảng Cộng hòa sẽ bàn bạc với ai của Đảng Dân chủ. Ai sẵn lòng thương thảo nhiều hơn và ai sẵn lòng thương thảo ít hơn? Nhưng có lẽ điều làm cho giới quan sát bất ngờ nhất là trong những cuộc thương thảo ấy, không có lấy bất kỳ chất liệu nào làm cơ sở để đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Cách ứng xử của chúng ta

Trong bối cảnh khủng hoảng trần nợ hiện nay ở Mỹ, cần thận trọng với việc một số chiêu trò kích động thị trường của giới tài phiệt. Mới đây, khi trả lời trên kênh Russia Today (Nga), nhà đầu tư vàng lão luyện Jim Rogers dường như muốn dẫn dắt thị trường với những lập luận rất thâm thúy và có ý đồ.

Đầu tiên, ông muốn đem đến tin tốt cho thị trường khi cho rằng, sẽ không có chuyện Chính phủ Mỹ mất khả năng thanh toán. Nhưng sau đó, ông bắt đầu dẫn dắt, rằng do hiện đang là quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới nên Chính phủ Mỹ không quan tâm đến việc đánh thuế và cắt giảm chi tiêu để cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách. Họ cũng không quan tâm đến việc người dân Mỹ có đi làm việc hay không.

Cái mà họ quan tâm là nước Mỹ chỉ muốn in tiền để trả nợ giống như các quốc gia vùng vịnh giàu có chỉ đơn giản kiếm tiền bằng việc lấy dầu từ dưới lòng đất. Rằng FED sẽ tiếp tục in thêm nhiều tiền nữa để hỗ trợ Chính phủ. Có lẽ, Jim Rogers muốn kích động thị trường là đồng USD sẽ giảm giá mạnh. Và mặc dù không nói ra, nhưng ý ông muốn mọi người hãy tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn là vàng và các tài sản khác là hàng hóa.

Lập luận này thật khó thuyết phục những ai theo trường phái hợp lý. Bởi lẽ, nếu FED in càng nhiều tiền thì USD càng mất giá. Liệu các nhà hoạch định chính sách Mỹ có chấp nhận cách làm trên? Điều này chỉ càng làm cho thế giới thêm xa lánh đồng USD và đi tìm một đồng tiền khác thay thế. Lợi sẽ bất cập hại.

Song, do là nhà đầu tư lão luyện và có nhiều ảnh hưởng, nên nhận định của Jim Rogers và của giới tài phiệt toàn cầu chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thị trường thế giới. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trần nợ và Chính phủ Mỹ đóng cửa hiện nay, cách tốt nhất là chúng ta hãy luôn nắm bắt mọi thông tin, biết phân tích thông tin và chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư