Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chỉnh dự án đường xuyên Việt thứ hai
Anh Minh - 13/10/2013 07:26
 
Thay đổi đầu tiên liên quan tới Dự án Đường Hồ Chí Minh so với mục tiêu, kế hoạch được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 là chiều dài tuyến đường sẽ “phát sinh” thêm khoảng 16 km.
TIN LIÊN QUAN

Theo Tờ trình số 360/TTr-CP về việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương xây dựng Dự án Đường Hồ Chí Minh vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng chiều dài toàn tuyến xuyên Việt thứ hai là 3.183 km, trong đó chính tuyến giảm 168 km, nhánh Tây tăng 184 km, phát sinh thêm 16 km.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Xuân Mai (Hà Nội). Ảnh: A.M

“Việc giảm chiều dài tuyến chính là do hướng tuyến đã được điều chỉnh nhằm đi tránh các khu đô thị, khu dân cư lớn; nhánh Tây dịch điểm đầu từ Khe Gát - Quảng Bình về Khe Cò - Hà Tĩnh, nhưng về cơ bản tuyến vẫn bám các điểm khống chế chính được xác định tại Nghị quyết số 38/2004/QH11”, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lý giải.

Cùng với kiến nghị thay đổi chiều dài tuyến, quy mô xây dựng một số đoạn tuyến, thay đổi lớn nhất liên quan tới kế hoạch đầu tư đường Hồ Chí Minh là việc Chính phủ đề nghị giãn tiến độ giai đoạn II của Dự án.

Được biết, theo Nghị quyết số 38/2004/QH11, giai đoạn II của Dự án sẽ triển khai và hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2010. Tuy nhiên, do nguồn vốn khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, nên đến quý IV/2008, các dự án thành phần thuộc giai đoạn II mới cơ bản được triển khai. Bên cạnh đó, ngoài một số ít dự án thành phần được bố trí đủ vốn, phần lớn dự án khác thi công cầm chừng.

“Tính đến đầu tháng 10/2013, Dự án mới hoàn thành 228 trong tổng số 996 km mục tiêu đề ra trong giai đoạn II”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Theo tính toán của Bộ GTVT, để có thể hoàn thành giai đoạn II và nâng cấp mở rộng đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) vào năm 2015, nhu cầu vốn cho dự án trọng điểm này cần phải bố trí thêm 24.003 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Liên quan tới kế hoạch triển khai giai đoạn III với mục tiêu nâng cấp đường Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn cao tốc, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiến hành phân kỳ đầu tư Dự án tùy thuộc vào tình hình triển khai thực tế và khả năng cân đối vốn.

Theo tính toán của TEDI, tổng mức đầu tư giai đoạn III khoảng 273.167 tỷ đồng (thời giá năm 2010), không kể 23.000 tỷ đồng là tổng mức đầu tư của 133 km đường Hồ Chí Minh đi trùng với các dự án khác đã được bố trí. Tuy nhiên, do thiếu vốn, nên hiện mới triển khai được 2 đoạn đạt chuẩn cao tốc là Cam Lộ - Túy Loan (dài 182 km) và tuyến kết nối Đồng bằng sông Cửu Long (dài 133 km), nên các đoạn cao tốc còn lại tùy theo tình hình thực tế, khả năng cân đối vốn sẽ được xem xét đầu tư phù hợp.

Được biết, tại Hội nghị cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư Dự án Đường Hồ Chí Minh diễn ra giữa tuần này, ngoài khuyến nghị xem lại mốc thời gian hoàn thành giai đoạn II, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã cơ bản thống nhất với chủ trương điều chỉnh một số mục tiêu, kế hoạch của Dự án.

“Khối lượng còn lại rất lớn, trong đó, một số dự án lớn trên tuyến như cầu Cao Lãnh và tuyến Cam Lộ - Túy Loan vẫn đang chuẩn bị đầu tư, nên cần cân nhắc lùi thời hạn hoàn thành giai đoạn II đến năm 2020; đồng thời tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện Dự án nhằm đảm bảo tính khả thi”, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư