Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chính phủ chính thức thảo luận Luật về Đặc khu kinh tế: Nền tảng cho sự đột phá
Nguyên Đức - 05/08/2017 08:17
 
Việc Chính phủ lần đầu tiên chính thức thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào giữa tuần này có thể nói là bước đi đầu tiên trong việc tạo dựng nền tảng cho sự đột phá của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Nói vậy là vì các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu), dự kiến được xây dựng ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đang được kỳ vọng trở thành các mô hình phát triển đột phá, trở thành cực tăng trưởng cho kinh tế - xã hội của địa phương, của toàn vùng và của cả nước.

Nền tảng quan trọng nhất của việc hình thành các đặc khu này đã bắt đầu được thiết lập, khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Chính phủ xem xét.

Thực tế, chuyện phát triển các đặc khu kinh tế đã được đề cập từ lâu, song lại thiếu một yếu tố then chốt chính là các thể chế, chính sách vượt trội cho các đặc khu này. Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xây dựng chính là để thể chế hóa các chính sách đó.

Đây có thể xem là chính sách chung cho sự phát triển của cả ba đặc khu, vừa là thể chế, chính sách đặc biệt cho mỗi khu, dựa trên tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển chiến lược.

Dù Dự thảo Luật chưa chính thức được công bố, song dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng, nhất là khi tại cuộc thảo luận đầu tiên về Dự thảo Luật, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu về những chính sách mang tính chất vượt trội, trong đó bao gồm các chính sách về đất đai. Cụ thể, Luật Đất đai hiện hành chỉ cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế, trong khi tại nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này lên đến 99 năm. Chính phủ đã bước đầu chấp thuận việc nghiên cứu sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai để đảm bảo sự phát triển ổn định của các đặc khu.

Một sự cởi mở cũng rất rõ ràng, khi quan điểm của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đều cho rằng, tinh thần chung khi phát triển các đặc khu là bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút đầu tư. Và rằng, trong quá trình xây dựng Luật, cần tiến hành đánh giá tác động, “lợi người lợi ta là cái gì, trước mắt, lâu dài là gì”, không nên chỉ nhìn vào mặt bất cập rồi bàn lùi. Cũng cần xây dựng các chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi để mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu…

Tất cả mới chỉ là bắt đầu. Dự thảo Luật mới là bản đầu tiên. Cũng là lần đầu tiên, Chính phủ chính thức thảo luận về Dự thảo Luật. Song những sơ thảo đầu tiên của Dự thảo Luật đã được đánh giá cao và điều quan trọng là đã có sự thống nhất về tư duy trong xây dựng thể chế, chính sách vượt trội cho các đặc khu. Đó là sự thống nhất cần thiết để - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói - là không thể vì nhìn thấy những bất cập mà “bàn lùi”.

Tinh thần ấy sẽ tạo nền tảng căn bản cho việc xây dựng thành công Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển các đặc khu ở Việt Nam trong tương lai.

Xây dựng Đặc khu Hành chính - Kinh tế Phú Quốc: Mạnh dạn phân cấp, giao quyền
Sáng nay, ngày 15/7 tại đảo Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị khoa học về xây dựng mô hình Đặc khu hành chính - kinh tế (HC-KT) cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư