Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng đặc khu kinh tế: Cần cơ chế đặc biệt thay vì ưu đãi đơn thuần
Nguyên Đức - 13/12/2016 08:17
 
Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Cửa đã lại mở cho các đặc khu kinh tế

Thông tin đã chính thức được Chính phủ công bố trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2016. Đó là, Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc theo định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.

Chính phủ đã giao UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị.

Vân Đồn sẽ đón nhận được những Dự án lớn, có ý nghĩa động lực không chỉ cho sự phát triển của Vân Đồn nói riêng mà còn cho cả Quảng Ninh, cả nước. Ảnh: Thanh Tân
Vân Đồn sẽ đón nhận được những dự án lớn, có ý nghĩa động lực không chỉ cho sự phát triển của Vân Đồn nói riêng mà còn cho cả Quảng Ninh, cả nước. Ảnh: Thanh Tân

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện báo cáo về các đề án, trong đó cập nhật, phân tích, đánh giá tổng thể kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này; đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách kinh tế ưu đãi đặc thù áp dụng cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù của các tỉnh, ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và UBND các tỉnh và các bộ, cơ quan liên quan, lập đề nghị xây dựng các dự án luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội.

Trên thực tế, đề xuất về việc thành lập 3 đặc khu kinh tế trên đã được nhắc đến từ lâu, nhất là trong giai đoạn 2012 - 2014. Việc xây dựng luật các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng đã được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các khẳng định của các chuyên gia kinh tế vào thời điểm đó và cho tới tận bây giờ đều cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng trở nên gay gắt hơn, việc thành lập các đặc khu, với thể chế, chính sách vượt trội, là cần thiết. Điều này không chỉ có ý nghĩa với thu hút đầu tư, mà hơn hết là tạo các vùng kinh tế động lực để phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước.

Bởi những ý nghĩa quan trọng đó, cả 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hóa, Kiên Giang đều đã bắt đầu việc xây dựng các đề án phát triển các đặc khu kinh tế từ nhiều năm trước. Thậm chí, Quảng Ninh, với tư tưởng rất cởi mở, đã tổ chức một hội thảo quốc tế quy mô lớn về đặc khu kinh tế, nhằm học hỏi kinh nghiệm để phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Tuy nhiên sau đó, không nhiều thông tin liên quan đến việc thúc đẩy thành lập các đặc khu kinh tế. Thậm chí, tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lùi thời hạn trình dự án luật về các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Và lý do là vì, Việt Nam chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, chưa được nghiên cứu, đánh giá toàn diện và cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt về tính khả thi của mô hình này khi được thể chế hóa trong dự án luật. Quyết định này của Chính phủ được dư luận cho rằng, sẽ chưa thể sớm hình thành các đặc khu kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, vào tháng 4/2016, khi tới làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến việc cần thiết xây dựng và đề xuất một số mô hình tăng trưởng mới, trong đó có các trung tâm tài chính tế, các đặc khu kinh tế…, nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Và sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2016, thì cửa đã thực sự mở trở lại cho các đặc khu kinh tế.

Xây tổ cho phượng hoàng

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay sau những thông tin về việc Việt Nam sẽ xây dựng các đặc khu kinh tế, thì không chỉ các chuyên gia trong nước, mà cả các chuyên gia kinh tế đều thống nhất quan điểm cho rằng, muốn phát triển đặc khu thì phải có thể chế, chính sách vượt trội, chứ không chỉ là những ưu đãi đầu tư một cách thuần túy.

“Hình thức đặc khu luôn hàm nghĩa ‘vượt’ luật hiện hành, cả về những quy định pháp lý thuần túy về kinh tế, lẫn mô hình tổ chức quản lý hành chính và xã hội”, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói như vậy và cho rằng, sự phát triển của các đặc khu kinh tế không đơn thuần vì lý do kinh tế của riêng khu đó, mà có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Đó là lợi ích chung của cả nền kinh tế ở góc độ tạo việc làm, thu hút các nguồn lực phát triển, mở rộng xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý, phát triển tổng hợp vùng và công nghiệp hóa - hiện đại hóa…, và do đó, nên hình thành các đặc khu kinh tế ở Việt Nam.

Thậm chí, so sánh một cách hình ảnh, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã nhấn mạnh việc Việt Nam thực sự cần có những vùng động lực tăng trưởng, ví như Vân Đồn (Quảng Ninh). “Đặc khu kinh tế là cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng. Nếu ta làm tổ cho gà thì sẽ không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được”, ông Thiên đã nói như vậy.

Trên thực tế, khi bàn về việc xây dựng các đặc khu kinh tế, ông Trần Đình Thiên đã luôn băn khoăn rằng, điều quan trọng là làm sao thuyết phục được nhà đầu tư rằng, họ sẽ có lợi khi đầu tư vào Vân Đồn, hay vào Phú Quốc, Nam Vân Phong. “Cho đến nay, ưu đãi ở Việt Nam vẫn rất thấp so với thế giới. Như vậy, cần phải vượt khung ưu đãi, nhưng vượt khung thế nào thì cần phải bàn”, ông Thiên nói và nhắc đến kinh nghiệm của Dubai khi không hề thu thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà đầu tư, nhưng vẫn có nguồn thu lớn, vì họ chuyển từ thu thuế sang thu phí và các khoản thu cố định.

“Liệu Việt Nam có thể làm thế không, hay khi ưu đãi thuế cao, Bộ Tài chính sẽ hỏi, thế Nhà nước được những gì? Theo tôi, có thể di chuyển nguồn thu sang thứ khác mà vẫn đảm bảo sự hài lòng của nhà đầu tư”, ông Thiên nói.

Điều đó có nghĩa, muốn xây dựng đặc khu kinh tế, điều quan trọng chính là thể chế chính sách thực sự vượt trội. “Việc thời gian qua 3 đặc khu kinh tế đã được Chính phủ chấp thuận về chủ trương nhưng chưa triển khai được có thể là do những e ngại liên quan đến việc thông qua các thể chế đặc biệt cho các đặc khu này”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng đã nói như vậy với Báo Đầu tư.

Chính phủ hiện đã thống nhất chủ trương để phát triển 3 đặc khu kinh tế, vậy thì bây giờ là lúc để chuẩn bị cho việc “xây tổ cho phượng hoàng”, một bước đi mà các chuyên gia kinh tế quốc tế đã nhấn mạnh rằng là “cần thiết” và “khôn ngoan” của Việt Nam.

Chuẩn bị để tạo đột phá

Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song cả Quảng Ninh, Kiên Giang và Khánh Hòa đều đã và đang nỗ lực cho việc hoàn thiện đề án phát triển các đặc khu kinh tế ở địa phương mình. Ví như Quảng Ninh, đề án phát triển Vân Đồn đã được xây dựng khá công phu ngay từ năm 2012. Theo kế hoạch thì khoảng cuối năm nay, hoặc đầu sang năm, Quảng Ninh sẽ hoàn thành hồ sơ đề án.

Và cũng theo tính toán, để phát triển đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh sẽ cần một nguồn lực khổng lồ, lên tới 12 tỷ USD, trong đó riêng giai đoạn 2014 - 2020 cần khoảng 5,7 tỷ USD. Nguồn lực này một phần sẽ do Nhà nước bỏ ra, phần còn lại sẽ huy động các nguồn lực khác.

Dù chưa trở thành đặc khu, nhưng thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã nỗ lực thu hút đầu tư vào Vân Đồn, con số lên tới khoảng 40.000 tỷ đồng, với các dự án đáng chú ý như Sân bay Vân Đồn, khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino… Tương tự, hạ tầng cơ sở, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn… cũng đang được đầu tư xây dựng.

“Chúng tôi đang huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho Khu kinh tế Vân Đồn, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, tài chính, hạ tầng để khi được phép của Trung ương cho thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và cho người Việt vào chơi casino thì Vân Đồn sẽ đón nhận được những dự án lớn, có ý nghĩa động lực không chỉ cho sự phát triển của Vân Đồn nói riêng mà còn cho cả Quảng Ninh, cả nước”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Khánh Hòa và Phú Quốc. Tuy nhiên, để mô hình đặc khu có thể trở thành hiện thực, vẫn còn phải chờ đợi, trước tiên là hoàn chỉnh các đề án, sau đó là dự án luật về các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - thể chế hóa các cơ chế, chính sách tạo nền tảng cho sự phát triển của mô hình mang tính cách mạng này.

Và tất nhiên, một điều không thể không nhắc tới, đó chính là nguồn lực cho sự phát triển này. Ví như ở Vân Đồn, con số được tính toán là 12 tỷ USD.

Như khẳng định của ông Andrew Grant, Giám đốc McKinsey & Company Singapore đã nói trước đây, là không có đường tắt cho việc phát triển các đặc khu kinh tế. Do vậy, giai đoạn đầu, Nhà nước phải tập trung nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Bởi thông thường, nhà đầu tư sẽ muốn, sau khi hạ tầng toàn tất mới đến đầu tư xây dựng dự án của mình.

Hạ tầng hoàn thiện, thể chế vượt trội sẽ góp phần quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trọng điểm đầu tư vào các dự án động lực. Và đó là những điều kiện quan trọng để các đặc khu kinh tế xây dựng thành công.

TS.Trần Đình Thiên: "Nói TP.HCM là đặc khu kinh tế là có tầm nhìn vượt lên trên rồi"
Bí thư Đinh La Thăng lại vừa gây bất ngờ mới khi phát biểu tại Hội nghị lần 4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM rằng: "TP.HCM phải trở thành một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư