Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chính phủ đề nghị giảm thuế cho bốn đối tượng
Nguyên Vũ - 05/06/2020 21:25
 
Theo đề nghị của Chính phủ thì tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng được giảm thuế
TIN LIÊN QUAN
.
Nếu giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng.

Ngày 5/6 Chính phủ đã gửi Quốc hội tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Như vậy, sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tên của dự thảo nghị quyết đã thay đổi (tên ban đầu là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ).

Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp  (gọi chung là doanh nghiệp), bao gồm bốn đối tượng.

Một là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hai, tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

Ba, đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bốn, tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập (trừ doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài).

Đề xuất của Chính phủ là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Doanh nghiệp căn cứ quy định này để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Theo Chính phủ,  việc đề xuất giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ “có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người” nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.

Thực tế là tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và nếu việc áp dụng chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp có quy mô vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng giảm thuế và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp có quy mô vừa với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong khi doanh nghiệp có quy mô vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).

Đề xuất áp dụng chính sách giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ nêu trên cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh hiện nay. Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ.

Tuy nhiên, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ, theo Chính phủ là sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho NSNN trong thời gian tiếp theo.

Theo dự kiến điểu chỉnh chương trình đợt hai của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, sáng 11/6 Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về nội dung trên, sau đó sẽ tiến hành thảo luận tại tổ trước khi thảo luận tại hội trường vào sáng 16/6.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư