Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chính phủ đề xuất bỏ Điều 292 Bộ Luật hình sự năm 2015
Hữu Tuấn - 21/10/2016 10:06
 
Sáng ngày 21/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tiếp tục ngày họp thứ 2 với phần trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 của Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long,quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là chỉ sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Việc sử đổi không làm thay đổi những chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS năm 2015.  Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần "Những quy định chung" và 123 điều thuộc Phần "Các tội phạm", trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.

Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 141 điều trong Luật Hình sự 2015.
Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 141 điều trong Luật Hình sự 2015.

Đặc biệt, theo đề xuất của Chính phủ, sẽ bỏ tội danh "Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông" (Điều 292 BLHS năm 2015).

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại mục 2 thuộc chương XXI của BLHS năm 2015 có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tuy nhiên, nội dung quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng mà thực chất đây là cấu thành tội “kinh doanh trái phép" trên môi trường mạng và xét về bản chất thì đây là một tội phạm về kinh tế nhưng lại được đặt ở chương "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng".

Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 chỉ đề cập đến một số ngành nghề. Thêm vào đó, cũng các lĩnh vực kinh doanh được nêu tại Điều 292 nhưng nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Như vậy là có sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán.

Xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì cũng cần bãi bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả xử phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, dự thảo Luật đề xuất phương án bãi bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng có ý kiến cho rằng, việc BLHS năm 2015 quy định tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là cần thiết nhằm góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh trên môi trường mạng; góp phần tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần xem xét thu hẹp phạm vi của tội phạm này cho phù hợp hơn, ít nhất là phải bao quát được hành vi kinh doanh sàn vàng trái phép hoặc kinh doanh đa cấp trái phép trên mạng, thu lợi bất chính lớn.

Ngày 1/7: Điều nào trong Bộ luật Hình sự có lợi cho người phạm tội vẫn thực hiện
Mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã chính thức được Chủ tịch nước quyết định tạm lùi thời hạn thi hành, nhưng Thứ trưởng Bộ Tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư