Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chính phủ Đức hỗ trợ thí điểm công nghệ xanh trong ngành dệt may Việt Nam
Thanh Hương - 17/06/2024 22:13
 
5 dự án thí điểm công nghệ xanh cho các công ty dệt may xuất khẩu Việt Nam được giới thiệu tại buổi trình diễn với chủ đề “Hướng tới ngành dệt may bền vững tại Việt Nam”.

5 dự án đã được trình bày trước Ban giám khảo chiều ngày 17/6 gồm Giải pháp quản lý năng lượng của công ty IoTeamVN; Giải pháp timeSSD® - tính toán chi phí lao động dựa trên công nghệ điện toán đám mây của Enedig Kft; Giải pháp thu hồi nhiệt thải từ công ty Hoàng Hà; vải, sợi từ xơ dứa của ECOSOI; Giải pháp thu hồi và tái chế polyester và cellulose từ BlockTexx.

Tiềm năng ứng dụng và mở rộng của các giải pháp thí điểm này đã được các đối tác trong nước như Tổng công ty Dệt may Việt Nam (VINATEX), Faslink, Thịnh Phúc, Kyungbang đánh giá cao.

Trình bày Giải pháp quản lý năng lượng của Công ty IoTeamVN tại Công ty sợi Nam Định 

Ban giám khảo dựa trên các tiêu chí về tiềm năng mở rộng dự án, cam kết giữa các bên, tác động môi trường và xã hội, mức độ sẵn sàng trong áp dụng công nghệ vào ngành dệt may và  mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ ở Việt Nam đã lựa chọn đề xuất của Công ty sợi Nam Định thuộc Tập đoàn Vinatex và IOTeamVN giành giải Nhất. 

Đội thắng cuộc sẽ nhận được các hỗ trợ về mặt chuyên gia và kỹ thuật tiếp theo của GIZ để thực hiện dự án thí điểm, từ đó là cơ sở mở rộng mô hình thí điểm áp dụng trên quy mô công nghiệp.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chương trình “Bệ đỡ công nghệ xanh” do Chính phủ Đức tài trợ, thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam (NIC). Các dự án thí điểm đã chứng minh tiềm năng của việc chuyển đổi sang sản xuất bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn từ thị trường Châu Âu của ngành dệt may Việt Nam.

Dệt may là ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với đóng góp trung bình khoảng 30-50 tỷ USD vào GDP hàng năm, hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các hiệp định như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Mục tiêu của Chương trình là tìm kiếm, kết nối và hỗ trợ mở rộng việc áp dụng công nghệ xanh từ các nhà cung cấp giải pháp tại doanh nghiệp dệt may Việt Nam hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững của châu Âu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt nhiều khó khăn kỹ thuật khi muốn chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững, theo sát các quy định từ EU để đón nhận các cơ hội tăng trưởng. “Bệ đỡ công nghệ xanh” là một trong nhiều giải pháp mà chính phủ Đức hỗ trợ Việt Nam, góp phần giải quyết các thách thức này.

Ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển Kinh tế Bền vững tại GIZ Việt Nam chia sẻ, hợp tác Việt-Đức sẽ không dừng lại ở buổi trình diễn ngày hôm nay. Được sự ủy thác của Chính phủ Đức, GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam thông qua thắt chặt hợp tác với Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân trong các ngành khác nhau. Những nỗ lực này sẽ góp phần nâng cao vai trò của các công cy khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh và tạo ra sự đổi mới, cơ hội và việc làm.”

Chương trình “Bệ đỡ công nghệ xanh” đã kết nối thành công 9 giải pháp công nghệ mới với 7 công ty dệt may xuất khẩu để giải quyết các vấn đề kỹ thuật phổ biến, bao gồm: xử lý bùn thải, thu hồi nhiệt, tái chế vải vụn, tối ưu hóa sử dụng điện năng, quản lý nhân công và ứng dụng nguyên liệu mới bền vững.

Doanh nghiệp ngành logistics cần “xanh hóa” để không bị đào thải
Logistics xanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tránh bị đào thải khỏi các hoạt động thương mại trong nước và toàn cầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư