Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Chính phủ họp bàn với các địa phương để thúc tăng trưởng kinh tế
Hà Nguyễn - 08/01/2025 08:08
 
Sáng nay (8/1), Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Hôm nay, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ được tổ chức. Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị.

Đây là hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024, mà còn thảo luận và tìm ra các giải pháp để thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tình hình  tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi tích cực, tốt hơn qua từng tháng, từng quý, năm 2024 không chỉ đạt mà cơ bản vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.

 Hội nghị Chính phủ với các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tìm ra các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch 2025.

Trong đó, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng, quy mô nền kinh tế, GDP bình quân đầu người, lạm phát, năng suất lao động, doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, văn hóa, an sinh xã hội, lao động việc làm, đời sống người dân… đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm ước đạt 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Không những vậy, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát ở mức phù hợp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh thế giới biến động mạnh, nhiều khó khăn. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71%, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%). Đây là chỉ dấu rất tích cực trong bối cảnh Việt Nam thực hiện tăng lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.

Tuy vậy, dù tình hình kinh tế - xã hội cải thiện qua từng tháng, nhưng do khó khăn chung của thế giới và khu vực, tính chung cả năm, nền kinh tế vẫn gặp một số khó khăn, các động lực tăng trưởng cần được tập trung thúc đẩy hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng năm 2024, tạo đà cho năm 2025 và giai đoạn tới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chi phí sản xuất của khu vực nông nghiệp và dịch vụ tăng cao. Sản xuất công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế  và sức mua tại các thị trường xuất khẩu lớn. Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại.

Chưa kể, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với áp lực gia tăng về điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ… Việc cụ thể hóa các cam kết, thỏa thuận quốc tế trong một số trường hợp còn chưa kịp thời. Xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài...

Những khó khăn này tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong năm 2025 - năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề. Mặc dù Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ở mức 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%, nhưng Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng 8%. Thậm chí, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với quyết tâm đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2025.

Trong bối cảnh nền kinh tế dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có thể còn nhiều hơn dự báo, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đóng vai trò động lực, phải rất nỗ lực.

Chính bởi thế, Hội nghị Chính phủ với các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tìm ra các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch 2025.

Hai dự thảo nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 sẽ được thảo luận tại Hội nghị.

Sau Hội nghị, Chính phủ dự kiến sẽ sớm ban hành hai nghị quyết này.

Vốn FDI giải ngân năm 2024 đạt mức cao kỷ lục
Tính đến hết năm 2024, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đánh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư