Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chính phủ muốn được tiếp tục "đặc cách, đặc thù, đặc biệt" trong chống dịch
Nguyễn Lê - 10/10/2022 14:23
 
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến ngày 31/12/2023 một số cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo.

Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến ngày 31/12/2023 một số cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 (nghị quyết  số 30).

Tiếp tục phiên họp thứ 16, chiều 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30, về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đây là một nghị quyết chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, được 100% đại biểu có mặt đồng ý, trao quyền chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách để ứng phó kịp thời với dịch Covid-19 và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, ngay từ kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV.

Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu

Theo đánh giá của Chính phủ, việc Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện dã chiến, nhân lực, tài chính, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 gây ra góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 30 cũng tạo nền tảng pháp lý huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Đến nay, tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng. Số ca mắc giảm thấp, giảm mạnh tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Hệ thống y tế đã được củng cố, các biện pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị, nguồn lực cho y tế đang được triển khai quyết liệt. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Nhưng, Chính phủ cũng nhìn nhận, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát thực tiễn, chậm được ban hành, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Mặt khác, tại một số thời điểm xảy ra tình trạng người dân điều trị tại nhà khó khăn trong tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 do chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy định. Một số đơn vị, địa phương chưa chủ động thực hiện việc đầu thầu, mua sắm do tâm lý lo ngại dẫn đến thiếu thuốc tại một số thời điểm, một số cơ sở y tế, địa phương.

“Một số thuốc, vật tư, hoá chất, sinh phẩm mua từ ngân sách nhà nước và được viện trợ, tài trợ để phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có nguy cơ không sử dụng hết trước hạn do hiện tại nhiều nơi gần như không còn bệnh nhân điều trị Covid-19", báo cáo nhắc tới sinh phẩm xét nghiệm Realtime RT- PCR, nguyên nhân do chiến lược xét nghiệm thay đổi, tình hình dịch đã được kiểm soát.

Báo cáo Chính phủ nêu nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan dẫn đến những hạn chế, thời gian qua. Trong đó, Chính phủ nêu rõ,  thu nhập, chế độ đãi ngộ, chính sách động viên khen thưởng với các cán bộ y tế nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế trong các cơ sở điều trị chưa kịp thời.

Ngoài ra, tình trạng viên chức, nhân viên y tế, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch xin nghỉ việc, thôi việc do gặp nhiều khó khăn, vất vả với cường độ và áp lực công việc cao, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi, thu nhập thấp, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

 Chính phủ cũng thừa nhận có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết vị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

“Một số nơi để xảy ra tiêu cực, lãng phí trong việc mua sắm, đầu thầu phòng, chống dịch”,  Chính phủ nhìn nhận.

Đề nghị được tiếp tục “đặc biệt, đặc thù, đặc cách”

Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.

Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp cho đến hết 31/12/2023 nhằm “tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp”.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động theo yêu cầu thực tiễn. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đã thành lập đồng thời là giấy phép hoạt động.

Đề nghị tiếp theo là cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật vê bảo hiêm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng để bảo đảm ôn định quyên lợi của người bệnh.

Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn, hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ...

Dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn còn có nguy cơ hiện hữu, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30.

Báo cáo về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế riêng, quy định cụ thể, rõ ràng hơn đổi với triển khai, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, mua sắm, đấu thầu, huy động, vận động nguồn lực, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, nghiên cứu sản xuất vắc-xin, thuốc, trang thiết bị y tế... trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo để bảo đảm triển khai hoạt động thực sự phù họp với thực tiễn, đáp ứng tính nhanh, hiệu quả và có tính “miễn trừ trách nhiệm” để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, đẩy nhanh tiến độ công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án được dư luận xã hội quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm góp phần răn đe, cảnh tỉnh và phòng ngừa chung.

Báo cáo 100 trang của Chính phủ nêu nhiều con số đáng chú ý.

Như, Bộ Y tế đã cấp 164 sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường họp cấp bách, gồm 9 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu.

Tính đến ngày 22/9-2022, có hơn 682.360 lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng Covid-19, tổng số huy động của Quỹ là gần 10.540 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2022, thông qua công tác ngoại giao, Việt Nam đã vận động được viện trợ nước ngoài gần 120 triệu liều vắc-xin, tiết kiệm khoảng 20.000 tỷ  đồng cho ngân sách nhà nước...

Trong năm 2021, số kinh phí thực tế Bộ Y tế mua vaccine là hơn 15.070 tỷ đồng, trong đó từ Quỹ vắc-xin là gần 7.670 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước hơn 7.400 tỷ đồng.

Hạn chế làn sóng bỏ việc của nhân viên y tế bệnh viện công
Chế độ được đảm bảo, môi trường làm việc hạn chế rủi ro và áp lực là những giải pháp căn bản nhằm hạn chế làn sóng bỏ việc của các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư