Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hạn chế làn sóng bỏ việc của nhân viên y tế bệnh viện công
Mộc An - 21/08/2022 08:05
 
Chế độ được đảm bảo, môi trường làm việc hạn chế rủi ro và áp lực là những giải pháp căn bản nhằm hạn chế làn sóng bỏ việc của các nhân viên y tế bệnh viện công.
Ngành y tế kiến nghị Chính phủ nâng lương cán bộ y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng lực lượng vũ trang...

Nhiều giải pháp tạm thời

Để hạn chế tình trạng nhân viên y tế bệnh viện công nghỉ việc, chuyển việc, Sở Y tế TP.HCM đã có các giải pháp, hỗ trợ, động viên nhân viên y tế, như lắng nghe tâm tư của nhân viên y tế tại các đơn vị mỗi tuần; phối hợp với các chuyên gia tâm lý để tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế; kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cho nhân viên y tế đi nghỉ dưỡng, du lịch...

Tại Hà Nội, theo ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế, cơ quan này vừa báo cáo UBND Thành phố dự thảo nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô để trình HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp chuyên đề. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ, động viên một lần cho cán bộ ngành y tế Thành phố là hơn 248 tỷ đồng và được lấy từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố.

Nhằm bổ sung nguồn nhân lực ngành y tế, tăng thu nhập, thu hút, giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Bình cho hay, Sở đang tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết về chính sách thu hút và hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh giai đoạn 2023-2027. Theo đó, đối tượng nhận hỗ trợ là tất cả bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, các trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhân viên y tế khu phố tại các phường, thị trấn.

Mức thu hút đối với các đối tượng dự kiến từ 200 đến 300 triệu đồng/người, nhận một lần. Ngoài chính sách thu hút một lần, các đối tượng còn được hỗ trợ thêm tiền thuê nhà, chế độ với đối tượng thu hút là nữ.

Tại Bình Dương, Sở Y tế tỉnh này đề xuất, ngoài lương theo quy định chung, địa phương tăng phụ cấp cho y tế công lập lên gấp 3 lần mức lương cơ sở vùng 1 (từ 4,680 triệu đồng/người/tháng lên 14,04 triệu đồng/người/tháng đối với chức danh bác sĩ); đối với điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ tại tuyến y tế cơ sở, mức lương tiếp nhận ban đầu cao gấp 1,5 - 2 lần mức lương cơ sở vùng 1.

Đặc biệt, để thu hút bác sĩ ở các nơi về công tác, Bình Dương đang áp dụng Nghị quyết 05/2019 của HĐND tỉnh. Theo đó, bác sĩ về tỉnh được hưởng chế độ ưu đãi một lần từ 400 - 600 triệu đồng ngay khi được tuyển dụng viên chức.

Cần chính sách dài hạn

Theo Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình, cơ quan này đang đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Đồng thời, đề xuất cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.

Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng. Bệnh viện được tính đủ sẽ có kinh phí bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho thầy thuốc để yên tâm công tác.

Ngoài ra, để khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kịp thời động viên, khích lệ cán bộ y tế, Công đoàn Y tế đề nghị Chính phủ cấp kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, viên chức ngành y tế. Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục.

Về lâu dài, ngành y tế kiến nghị Chính phủ nâng lương cán bộ y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng lực lượng vũ trang, quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bạo hành nhân viên y tế…

Chính phủ cũng cần có nhiều chế độ chính sách đặc biệt hỗ trợ đối với các cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, nơi xảy ra thiên tai dịch bệnh; cần có những chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực và đào tạo làm việc, nhất là lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, hồi sức cấp cứu…

Báo động làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc
Làn sóng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố phải chăng là hồi chuông báo động môi trường làm việc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư