Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Báo động làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc
Dương Ngân - 03/07/2022 08:04
 
Làn sóng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố phải chăng là hồi chuông báo động môi trường làm việc của y tế công lập không còn sức hấp dẫn.
Nhân viên y tế thường xuyên phải làm việc với áp lực cao
Nhân viên y tế thường xuyên phải làm việc với áp lực cao.

“Hiệu ứng domino”

Năm 2021, toàn ngành y tế TP. Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác. Từ tháng 1 đến ngày 30/4/2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác. Tổng cộng, từ đầu năm 2021 đến ngày 30/4 năm nay, Thủ đô có gần 860 cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển công tác. Những con số này vừa được công bố trong báo cáo của UBND TP. Hà Nội.

Chị N.T.Th., cán bộ y tế phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) vừa viết đơn xin nghỉ việc hồi cuối tháng 3/2022 chia sẻ, trong hơn 2 năm dịch Covid-19, chị và nhiều đồng nghiệp đã quá mệt mỏi khi phải liên tục làm việc, từ truy vết, điều tra dịch tễ, đến tiêm chủng, trực đường dây nóng, không có thời gian nghỉ ngơi. Đêm đến, mọi người thay phiên nhau cập nhập số liệu F0, hoàn thiện báo cáo. Áp lực chồng chất, nhưng chỉ được cộng thêm khoảng 500.000 đồng tiền trách nhiệm mỗi tháng. “Hai vợ chồng tổng thu nhập chưa đến 10 triệu đồng, không đủ sinh hoạt, nên dù còn nuối tiếc với nghề, tôi cũng đành xin nghỉ việc, chuyển ra ngoài làm”, chị Th. nói.

Kết quả nghiên cứu Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong dịch Covid-19, khảo sát 2.472 nhân viên y tế trên khắp cả nước, được Hội Thầy thuốc trẻ

Việt Nam công bố cuối năm 2021 cho thấy, lương bình quân của những nhân viên y tế được khảo sát khoảng 7,36 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt bình quân của hộ gia đình ở Hà Nội, TP.HCM là 10 - 11 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, chỉ 19,1% nhân viên y tế cho biết, họ có thể chi trả hoàn toàn chi phí sinh hoạt.

Một cán bộ y tế ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, thu nhập hằng tháng của anh sau khi đã trừ các khoản bảo hiểm còn lại hơn 6 triệu đồng; thu nhập tăng thêm khoảng 1 - 1,5 triệu đồng. Dịch Covid-19 bùng phát, khối lượng công việc tăng cao, nhân viên y tế làm việc gấp 2 - 3 lần, nhưng thu nhập vẫn giữ nguyên.

Tại TP.HCM, con số còn cao hơn. Năm 2021, có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc; quý I/2022, có gần 400 người nghỉ việc.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Đồng Nai. Đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho hay, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, có 231 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc. Con số này cao hơn nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp và môi trường làm việc áp lực.

Vì đâu nên nỗi?

Hầu hết cán bộ, nhân viên y tế khi nghỉ việc, chuyển việc được hỏi lý do đều cho biết, chế độ lương, đãi ngộ thấp, công việc căng thẳng, lại thêm tâm lý “đụng đâu cũng thấy sai”, không có cơ chế bảo vệ, khiến họ vốn đã mệt mỏi, áp lực, nay càng thêm chán chường.

Lý giải về làn sóng nhiều cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển việc, đại diện UBND TP. Hà Nội cho rằng, nguyên nhân là do số lượng nhân viên y tế của Hà Nội hiện còn thiếu. Các nhân viên y tế phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm, song, chế độ đãi ngộ và thu nhập còn hạn chế so với các doanh nghiệp, đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM thẳng thắn, nhân viên bệnh viện công chuyển đi là do thu nhập không đảm bảo. Lãnh đạo các bệnh viện hoàn toàn hiểu thực trạng này, nhưng họ bất lực, vì vấn đề nằm ở cơ chế.

Cụ thể, các bệnh viện được giao tự chủ, nhưng nguồn thu (giá khám chữa bệnh dịch vụ và bảo hiểm y tế) vẫn do Nhà nước quy định. Chưa kể, giá viện phí chỉ được tính 4/7 yếu tố cấu thành, khiến nguồn thu của bệnh viện rất thấp, không đủ đảm bảo lương và thu nhập cho cán bộ y tế. Khi Covid-19 xảy ra, nguồn thu này bị cắt đứt (bệnh nhân thông thường không đến khám chữa bệnh), đẩy các bệnh viện vào khó khăn, buộc phải cắt giảm thu nhập của nhân viên.

Để khắc phục tình trạng này, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, ngành y tế Thành phố đang xây dựng đề án, đề xuất các cơ chế để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, làm thế nào để nhân viên y tế yên tâm công tác, bớt nghỉ việc. Trước mắt, có chính sách hỗ trợ thu nhập để giữ chân nhân viên y tế. Cụ thể, bác sĩ công tác ở trạm y tế được nhận thêm 1,5 lần lương tối thiểu vùng (khoảng hơn 6 triệu đồng), còn điều dưỡng nhận thêm 1 lần lương tối thiểu vùng (hơn 4 triệu đồng).

Theo ông Thượng, về lâu dài, cần có cơ chế điều chỉnh, phân bổ trạm y tế theo dân số, cứ 10.000 dân cần có một trạm y tế, để giảm tải cho đội ngũ y tế cơ sở. Còn hiện tại, Sở Y tế TP.HCM đề xuất tăng mức định biên tối thiểu từ 5 lên 10 nhân viên y tế. Ngoài lực lượng bác sĩ, các trạm y tế rất cần thêm hộ lý, bảo vệ, cử nhân cộng đồng. Theo tính toán, các trạm y tế cần bổ sung 4.126 biên chế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư