Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Chính phủ nêu quan điểm về chuyển mục đích rừng tự nhiên tại Luật Đất đai
Nguyễn Lê - 01/01/2024 11:15
 
Tại dự thảo báo cáo về một số nội dung đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) vừa được gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp.
.
Chuyển đổi  mục đích sử dụng đất luôn là bài toán khó của các địa phương có nhiều rừng. Ảnh: Mỹ An.

Đây là một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, nhiều lần nêu ý kiến khi thảo luận về Dự thảo, bởi thời gian qua quy định tại khoản 2 điều 14 Luật Lâm nghiệp đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các địa phương có dự án sử dụng đất rừng tự nhiên.

Cụ thể, khoản này quy định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”.

Khi thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, một số vị đại biểu cho rằng, bãi bỏ khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp là phù hợp với thực tế và chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý chặt chẽ. vì Trung ương vẫn quản lý bằng quy hoạch thông qua thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia và quy hoạch tỉnh. Trong đó, đã xác định diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và khoanh vùng khu vực quản lý nghiêm ngặt.

Ở Dự thảo báo cáo ngày 28/12/2023 nói trên, Chính phủ nêu, tại khoản 1 Điều 257 dự thảo Luật kèm theo Báo cáo 598/BC-CP (báo cáo gửi trước khi Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu – PV) đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 14 của Luật Lâm nghiệp như sau: “Không chuyển mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định”.

Tuy nhiên tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu đã sử dụng cụm từ “dự án đầu tư công” trong khoản 2 Điều 14 của Luật Lâm nghiệp: “Không chuyển mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án đầu tư công theo tiêu chí do Chính phủ quy định.”

Theo Chính phủ thì quy định như trên sẽ tạo khó khăn cho các dự án đầu tư không phải là đầu tư công mặc dù các dự án này đều đáp ứng tiêu chí do Chính phủ quy định để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đề nghị không giới hạn trong phạm vi dự án đầu tư công.

Bên cạnh nội dung trên, Chính phủ cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hoàn thiện, chỉnh lý gửi kèm theo Công văn số 718/UBTVQH15-KT ngày 26/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như, thống nhất với phương án cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho cho người thuộc hàng thừa kế) quá hạn mức giao đất thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

Hay, không quy định tại Dự thảo cụ thể các loại chỉ tiêu sử dụng đất trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà giao Chính phủ quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Chính phủ cũng thống nhất với phương án quy định thời điểm công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền đến trước ngày 1/7/ 2014.

Về tiền thuê đất hàng năm, Chính phủ thống nhất tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 5 năm, trường hợp tiền thuê đất chu kỳ sau tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của giai đoạn 5 năm trước đó và tỷ lệ cụ thể do Chính phủ quy định….

Tại dự thảo báo cáo, Chính phủ kiển nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu các ý kiến góp ý, đề xuất của Chính phủ để phối hợp hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (tháng 1/2024), thực hiện đúng chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng kiến nghị xem xét ban hành Nghị quyết tổ chức thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) để hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ một số chính sách trên toàn quốc. Như điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 để áp dụng từ 1/1/2025 đến 31/1/2025 song song với chuẩn bị bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi); thực hiện giao đất đồng thời với giao khu vực biển để thực hiện các dự án có hoạt động lấn biển; triển khai thí điểm việc tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập…

Sửa Luật Đất đai, kỳ vọng “phút bù giờ” - Bài 3: Còn thời gian, vẫn kiên trì đóng góp
Có những nội dung Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) không trực tiếp điều chỉnh, song việc Dự thảo được thông qua sẽ là cơ sở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư