Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chính thức công bố thành lập Thành phố Thủ Đức, trực thuộc TP.HCM
Việt Dũng - Lê Toàn - 31/12/2020 10:31
 
Sáng ngày 31/12, UBND TP.HCM đã chính thức tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111/UBTVQH14 về việc thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.

Đây là sự đột phá về thể chế phát triển Thành phố trong 45 năm qua, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong 25 năm tới, vì cả nước, cùng cả nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo ông Phong, Thành phố Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP.HCM và 7% GDP cả nước.

Đại diện lãnh đạo TP.HCM nhận Quyết định thành lập thành phố Thủ Đức (Ảnh: Lê Toàn)
Đại diện lãnh đạo TP.HCM nhận Quyết định thành lập Thành phố Thủ Đức (Ảnh: Lê Toàn)


Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, qua quá trình phát triển, Quận 2, 9 và Quận Thủ Đức đã tạo nên các hạ tầng kỹ thuật và xã hội quan trọng cho phát triển kinh tế thời kỳ 4.0 nhưng lại nằm rời rạc ở 3 quận, không có quy hoạch thống nhất, chính sách thống nhất, quản lý nhà nước thống nhất. Do đó không phát huy được tác dụng tổng hợp để tạo ra một trung tâm tăng trưởng mới cho kinh tế Thành phố. 

Trên cơ sở nhận ra các tiềm năng này ở ba quận, qua Hội thảo quốc tế được tổ chức ở Thành phố năm 2018 và 2019, Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương xây dựng một Khu đô thị sáng tạo tương tác cao trên địa bàn ba quận này. 

Qua thi tuyển quốc tế đề xuất ý tưởng xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, các công ty tư vấn quốc tế có uy tín đã khẳng định: Quận 2, 9 và Thủ Đức đã có nhiều tiền đề quan trọng để hình thành một Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, nếu được quy hoạch hợp lý, bổ sung các cấu phần còn thiếu, sẽ trở thành một trung tâm kinh tế 4.0 của Thành phố, là hạt nhân cho phát triển kinh tế của Thành phố và Khu vực Đông Nam bộ. 

Đồng thời xuất hiện nhu cầu cần phải sáp nhập 3 quận này thành một đơn vị hành chính mới có một quy hoạch thống nhất, một hệ thống chính sách thống nhất, một chính quyền quản lý thống nhất. 

“Đó là lý do phải thành lập Thành phố Thủ Đức – một thành phố kinh tế tri thức, một động lực đột phá phát triển kinh tế của Thành phố”, ông Nhân nói và cho biết thêm, để trở thành một đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế 4.0, Thành phố Thủ Đức hôm nay đã có những tiền đề hạ tầng rất quan trọng.

Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (diện tích khoảng 800 ha, đã thu hút đầu tư nước ngoài hơn 8 tỷ USD và 42.000 lao động, xuất khẩu năm 2020 khoảng 20 tỷ USD); Khu Đại học (Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, Đại học Nông Lâm, Đại học Fulbright, Đại học Văn hóa) với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên.

Khu Đô thị mới Thủ Thiêm với Trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực; Hệ thống Viễn thông 5G; Hệ thống giao thông thuận tiện; Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (100ha); Sân golf Thủ Đức (300ha);Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa Quận 2, Bệnh viện Ung bướu (Quận 9)...

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Lê Toàn)
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Lê Toàn)


Theo quy hoạch, trong thời gian tới sẽ triển khai tiếp các hạ tầng công nghệ và xã hội quan trọng mới như: Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Công viên phần mềm Quang Trung Thành phố Thủ Đức; Trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính) hiện đại nhất ASEAN; Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch; Trung tâm Triển lãm Hội chợ quốc tế; Khu liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc (222 ha); Hệ thống đê bao, bơm và các khu vực chứa nước tự nhiên và nhân tạo để Thành phố Thủ Đức là Thành phố không ngập nước ở khu vực đô thị.

“Với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại như vậy, Thành phố Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế”, ông Nhân nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, mạng di động thế hệ thứ 5, hay còn gọi là mạng di động 5G cũng chính thức được khai trương tại thành phố Thủ Đức. Cụ thể, tháng 12/2020, mạng di động 5G đã được phát sóng thử nghiệm thương mại trên địa bàn trung tâm Thành phố. 

Hôm nay, ngày 31/12/2020, cả ba doanh nghiệp viễn thông di động lớn là Viettel, VNPT Vinaphone và Mobifone đã triển khai các trạm phát sóng di động 5G đầu tiên trên địa bàn thành phố Thủ Đức, sẵn sàng cung cấp các trải nghiệm dịch vụ tốc độ cao cho người dân. 

Thường vụ Quốc hội chuẩn bị xem xét đề án thành lập Thành phố Thủ Đức
Đề án đề nghị thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đã được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư