Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chính thức thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam
Như Loan - 24/02/2016 17:49
 
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam đồng vận động và xúc tiến thành lập đã được chấp thuận và chính thức thành lập theo Quyết định số 124/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ vừa qua.

Đây là kết quả của quá trình trên 1 năm chuẩn bị xúc tiến thành lập kể từ sau Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” tổ chức ngày 07/02/2015 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương, Tỉnh ủy - Ủy ban Nhân dân Tỉnh Lâm Đồng chủ trì, Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phối hợp tổ chức với sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước, các cơ quan báo chí, các hộ nông dân và doanh nghiệp trực tiếp trồng mắc ca.

Sau sự kiện này, LienVietPostBank, Công ty Cổ phần Him Lam cùng các doanh nghiệp, chuyên gia đã thành lập và tham gia Ban Trù bị Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhằm mục đích hoàn thiện dự thảo Điều lệ Hiệp hội; thực hiện các hồ sơ, thủ tục để xin phép Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tổ chức liên quan thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

mắc ca
Mô hình trồng mắc ca công nghệ cao

Theo Quyết định số 124/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hiệp hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ các quy định của Pháp luật và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực của Hiệp hội.

Hơn một năm qua, bên cạnh việc xúc tiến thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, LienVietPostBank và Công ty Cổ phần Him Lam đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ chương trình phát triển cây mắc ca trở thành cây trồng lâm-nông-công nghiệp chiến lược mới tại Việt Nam như tổ chức các đoàn thực tế trong nước và các nước hàng đầu về công nghiệp mắc ca (Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ,…); thuê chuyên gia nước ngoài và trong nước tư vấn lập chiến lược phát triển; tài trợ nghiên cứu về mắc ca; xây dựng quy định sản phẩm cho vay đầu tư phát triển  cây mắc ca; tổ chức công tác truyền thông về giá trị và tiềm năng phát triển của loại cây này…

Với các hoạt động nêu trên LienVietPostBank và Công ty Cổ phần Him Lam đã gây dựng được danh tiếng đóng vai trò tiên phong trong việc đánh thức tiềm năng phát triển của cây mắc ca tại Việt Nam.

Gần đây nhất, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và định hướng năm 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức ngày 06/01/2016 tại Kon Tum, LienVietPostBank đã báo cáo tình hình phát triển mắc ca Việt Nam và đưa ra 4 nhóm đề xuất chính để tiếp tục phát triển cây mắc ca trong thời gian tới.

Thứ nhất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ thay đổi quy định về hỗ trợ trồng cây mắc ca. Mức hỗ trợ nên quy định thống nhất là cứ trồng 1 ha mắc ca thì được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng để xây dựng vườn trồng, sẽ có ý nghĩa xã hội rất lớn (hỗ trợ cho người nghèo), vì phần lớn đất riêng của hộ dân trồng mắc ca có diện tích dưới 50 ha (quy định hiện hành chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng cho các hộ trồng từ 50 ha trở lên).

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ nên ban hành định hướng, còn xác định cụ thể quy hoạch từng địa phương thì do địa phương chịu trách nhiệm và cần đẩy nhanh xây dựng chương trình quốc gia về mắc ca, đưa cây mắc ca chính thức là cây chiến lược của cây trồng Việt Nam.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn.

Thứ tư, chính quyền các tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp cần đưa mắc ca vào đề án tái cơ cấu kinh tế địa phương và xây dựng bản quy hoạch phát triển mắc ca tại địa phương trên cơ sở rà soát lại quỹ đất, đặc biệt là đất đang trồng cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, đất trồng các cây hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng mắc ca.

Hiện LienVietPostBank và Công ty Cổ phần Him Lam đều đã trở thành Thành viên của Hiệp hội Mắc ca Úc (AMS). Công ty Cổ phần Him Lam cũng đã triển khai xây dựng 2 vườn ươm giống quy mô lớn tại Lâm Đồng. Tuy chưa có vùng nguyên liệu nhưng ở Việt Nam đã hình thành 3 nhà máy chế biến măc ca, trong đó Công ty cổ phần Him Lam đang có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy ở Bình Dương và Bảo Lộc - Lâm Đồng, Công ty TNHH My Anh - Khe Sanh (doanh nghiệp của nước ngoài (Úc) đầu tư vào Việt Nam) đã xây xong nhà máy ở Khe Sanh - Quảng Trị. Trong thời gian tới, LienVietPostBank và Công ty Cổ phần Him Lam sẽ tiếp tục triển khai một số công việc dự kiến như tổ chức cuộc thi thiết kế logo hiệp hội, tổ chức đại hội, ra mắt website hiệp hội,…

“LienVietPostBank, Him Lam và các doanh nghiệp trồng, chế biến mắc ca sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động trong năm 2016 nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca khu vực Đông Nam Á”. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Trưởng Ban chỉ đạo Nghiệp vụ và Truyền thông mắc ca LienVietPostBank nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn: Đừng trồng mắc ca bằng mọi giá
Tại hội thảo về cây mắc ca tổ chức sáng qua (4/6), ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư