Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn: Đừng trồng mắc ca bằng mọi giá
Thùy Liên - 05/06/2015 08:53
 
Tại hội thảo về cây mắc ca tổ chức sáng qua (4/6), ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nhiều nước đang phát triển nóng về mắc ca và 90% lượng tiêu thụ mắc ca chưa tách vỏ toàn thế giới phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thưa ông, hiện nhiều địa phương và doanh nghiệp đang hào hứng phát triển cây mắc ca, với kỳ vọng đây là loại cây “nữ hoàng”, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa thấy Bộ NN&PTNT công bố quy hoạch mắc ca?

Ở Việt Nam, nhiều nơi có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với trồng mắc ca, song quy hoạch ngành hàng mắc ca phải đạt được mục đích cuối cùng là hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, ngoài điều kiện sinh học, sinh thái, thổ nhưỡng thì điều rất quan trọng là phải tính toán được cung - cầu thị trường để có giải pháp đồng bộ về chế biến, bảo quản, hướng dẫn, điều kiện cho bà con nông dân, tránh việc tính toán không kỹ, gây thiệt hại cho bà con và doanh nghiệp.

Đồng thời, phải tránh được tình trạng đã lặp đi lặp lại với một số cây khác là được mùa mất giá, vì trên thế giới, nhiều nước đang phát triển nóng về mắc ca.

 

Đặc biệt, mắc ca là cây dài ngày, lại yêu cầu bảo quản, chế biến khó khăn hơn nhiều cây khác, vì vậy, nếu không tính toán kỹ, sẽ tạo hệ lụy lớn, lâu dài. Vì vậy, dù chúng tôi nghiên cứu quy hoạch đã 3 năm, nhưng hiện vẫn phải mời các chuyên gia quốc tế cho thêm ý kiến để xem xét lần cuối cùng.

Dự kiến, ngay trong năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành quy hoạch phát triển mắc ca.

Bộ NN&PTNT vừa khuyến cáo địa phương không nên trồng quá 10.000 ha mắc ca từ nay đến năm 2020, nhưng thực tế, nhiều địa phương đã vượt quá con số này. Đâu là cơ sở để Bộ đưa ra con số trên và sẽ kiểm soát lượng mắc ca vượt quy hoạch như thế nào?

Đây là định hướng mang tính ngắn hạn trong khi chờ Bộ ban hành quy hoạch mắc ca. Định hướng đó chủ yếu dựa trên kiểm soát giống có chất lượng. Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, lượng giống có chất lượng, có nguồn gốc, đã được công nhận giống chỉ đủ sản xuất tối đa 10.000 ha.

Với những cây dài ngày như mắc ca, theo quy định, để được nhân giống, cần phải khảo nghiệm, sau đó sản xuất thử một thời gian thì mới được công nhận giống, nên đến năm 2014, chúng tôi mới công nhận được 10 giống mắc ca. Theo quy định, chỉ những giống này mới được đưa vào sản xuất.

Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị kiểm soát việc sử dụng giống mắc ca, nhưng để kiểm soát được, quan trọng nhất là bộ máy ở cơ sở cũng phải vào cuộc. Chúng tôi cũng thiết tha đề nghị những người trồng mắc ca hơn ai hết phải bảo vệ mình xuất phát từ khuyến cáo của Nhà nước, đừng trồng bằng mọi giá.

Nhu cầu trồng mắc ca của người dân rất lớn, trong khi giống mắc ca được công nhận lại ít, nên đã có hiện tượng đầu cơ, bán giống mắc ca không rõ chất lượng, nguồn gốc. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Hiện tượng đầu cơ, bán giống mắc ca không rõ nguồn gốc đã xảy ra ở một số địa phương, điều này rất nguy hiểm. Chúng tôi đã khảo nghiệm và thấy rằng, không phải giống mắc ca tốt nào ở thế giới vào Việt Nam cũng có hiệu quả. Kết quả cho thấy, các giống từ lúc trồng đến lúc thu hoạch thường là 7-9 năm, có giống không cho thu hoạch. Vì vậy, chúng tôi đã có văn bản khuyến cáo các địa phương không trồng mắc ca bằng mọi giá, chỉ trồng mắc ca từ giống ghép từ cây gốc, cây thực sinh để đảm bảo có năng suất cao.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương muốn phát triển sản xuất phải gắn với điều kiện chế biến và bảo quản, vì hạt mắc ca từ khi rụng phải mang chế biến ngay trong vòng 24 tiếng, nếu không sẽ giảm chất lượng. Nếu không có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, hiệu quả từ mắc ca sẽ rất thấp. Bài học của Kenya cho thấy, sản lượng của họ không thua Australia, nhưng thu nhập chỉ bằng một nửa quốc gia này. 

Nếu trồng mắc ca ở thời điểm hiện tại, phải một thời gian nữa mới có thu hoạch. Trong khi đó, theo các chuyên gia từ Australia, cầu thị trường đang lớn hơn cung, song nhiều nước cũng đang ồ ạt trồng mắc ca, nhất là châu Phi và Trung Quốc. Vậy Bộ có tính toán được thị trường cho mắc ca Việt Nam nếu sản phẩm này trồng rộng rãi?

Đây là vấn đề chúng tôi đang trăn trở, bởi để phát triển bền vững thì phải tiêu thụ được ở mức giá có lợi. Các chuyên gia Austrlia cho biết, nhiều quốc gia đang phát triển nóng về mắc ca và 90% lượng mắc ca chưa tách vỏ của thế giới tiêu thụ ở Trung Quốc. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc.

Chắc chắn, để phát triển mắc ca, ta phải nhìn vào cả thị trường thế giới và trong nước. Tất nhiên, khi đã bắt tay vào làm, chúng ta sẽ tính toán thị trường trọng điểm, không chỉ nhìn vào Trung Quốc. Chúng ta có hơn 90 triệu dân, đây là thị trường tiềm năng, hơn nữa, với một loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, chúng ta sẽ mở rộng thị trường. Điều quan trọng nhất là, mắc ca phải có chất lượng cao, phải xây dựng được thương hiệu và phải mở rộng thị trường.

Bộ Nông nghiệp: Đến 2020 chỉ trồng 10.000ha cây Mắc ca
Hôm nay (6/4), Bộ NN&PTNT có công văn gửi các tỉnh về phát triển cây Mắc ca, khẳng định chưa có căn cứ khoa học để quy hoạch phát triển loại cây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư