Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Chờ bước đột phá về giáo dục
Hải Hà - 07/09/2015 08:19
 
Cuối tuần qua, tất cả các trường học phổ thông trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Trong năm học này, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện.

Ngay trước thềm năm học mới, trong thư chúc mừng ngành giáo dục, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bày tỏ niềm tin vào thế hệ tương lai của đất nước có thể “lập thân, lập nghiệp, trưởng thành, góp phần đưa đất nước ta sánh vai với bè bạn năm châu”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng, đây là năm học mà ngành giáo dục cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị chu đáo, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, góp ý của nhân dân, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh để các biện pháp đề ra thực hiện đạt kết quả cao, tạo được sự đồng thuận xã hội.

15 triệu học sinh phổ thông trên cả nước bước vào năm học mới
15 triệu học sinh phổ thông trên cả nước bước vào năm học mới

 

Đây cũng là năm chuẩn bị để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong năm học này, các trường tiểu học trên cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về quy định đánh giá học sinh tiểu học - kiểm tra, đánh giá bằng nhận xét, bỏ chấm điểm thường xuyên, tiếp tục thực hiện tích hợp dạy học tiếng Việt, triển khai chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học…

Cũng trong năm học này, trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông của Bộ, các sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua tăng cường các hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, kiến thức xã hội.

Về kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ Bộ đến các địa phương, các trường đại học; từ công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, đến công bố và sử dụng kết quả thi... để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi. Đồng thời, xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.

Trước đó, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, cam kết của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành khác là sẵn sàng vào cuộc cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra trở ngại lớn nhất trong triển khai đổi mới giáo dục là thói quen cũ trong cách nghĩ, cách làm của giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục, của học sinh, của cha mẹ học sinh và của xã hội, bởi một chủ trương lớn, dù đúng cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là công tác tuyên truyền để giải thích, vận động.

“Dù có khó cho giáo viên, chúng ta cũng phải cố, khó cho Bộ, cho chính quyền, chúng ta cũng phải cố, miễn là tốt cho học sinh... Tôi mong rằng, ngành giáo dục sẽ trên tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào hạn chế, bất cập để điều chỉnh, với phương châm tất cả vì học sinh thân yêu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Mặc dù vẫn còn những hạn chế, bất cập, nhưng không thể phủ nhận rằng, ngành giáo dục đang triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW. Minh chứng rõ nhất là hàng loạt thay đổi đang diễn ra, như thay đổi hình thức thi cử đánh giá, đào tạo kỹ năng mềm, hoạt động ngoại khóa… 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khá tin tưởng vào khả năng thay đổi với cách làm mới, các tiếp cận mới, mặc dù những nhân tố mới chưa phổ biến, chưa tạo ra sự chuyển biến ngay tức thì và còn nhiều trở ngại trong quá trình triển khai.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016, Bộ trưởng Luận cũng tỏ ra khá cầu thị khi khẳng định: “Chúng ta đã có bước dài cho sự thay đổi, nhưng chưa phải toàn bộ, chưa phải tất cả, chưa đồng đều và Bộ Giáo dục và Đào tạo và ngành giáo dục sẵn sàng tiếp thu để khắc phục hạn chế”.

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm học này sẽ tiếp tục là năm còn nhiều khó khăn, thử thách với ngành giáo dục. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ nào đó thì xã hội đang có sự chuyển mình nhất định.

 “Tôi đã nhìn thấy những sinh viên khởi nghiệp với sự tự tin cao. Sinh viên cũng đã có ý thức chủ động, sáng tạo tự tìm việc làm học hỏi thêm rèn luyện kỹ năng sống, khả năng lập nghiệp và chủ động thực tập sớm. Doanh nghiệp cũng đã tham gia quá trình đào tạo thông qua giao lưu với sinh viên, một số nhà tuyển dụng đã chú trọng tuyển ngay từ khi sinh viên đang ngồi ghế nhà trường. Đây thực sự là một cuộc chuyển mình khi triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW”, TS. Trần Đình Châu, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhận xét.

Báo Đầu tư trao 240 suất học bổng Vì trẻ em Việt Nam trong ngày khai giảng năm học mới
Chào mừng năm học 2015-2016, sáng nay (5/9), tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Báo Đầu tư cùng các nhà tài trợ đã trao tặng 40 suất học bổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư