Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
“Chợ nợ xấu” muốn xôm, cần phải có luật
Hà Tâm - 04/10/2020 09:53
 
Đề án Thành lập sàn giao dịch nợ xấu đã được xây dựng, nhưng những rắc rối về thủ tục pháp lý cùng cơ chế xử lý nợ xấu vẫn đang “thí điểm” khiến nhà đầu tư chưa mặn mà.
Thay vì gửi nợ tại VAMC như trước, các ngân hàng tấp nập tự rao bán nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh
Thay vì gửi nợ tại VAMC như trước, các ngân hàng tấp nập tự rao bán nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh

Cần “chợ” nợ xấu đúng nghĩa

Ba năm gần đây, các ngân hàng tấp nập tự rao bán nợ xấu, thay vì gửi nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) như trước. Tương tự, tại VAMC, tốc độ bán nợ cũng tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước. 

Để có chuyển biến rõ nét này, theo ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc VAMC, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) trao nhiều quyền hơn cho tổ chức tín dụng và VAMC trong việc xử lý nợ, đặc biệt là mua bán nợ, cho phép bán nợ cho các tổ chức và cá nhân, hình thành thị trường mua bán nợ. 

Lấy minh chứng thực tế, ông Nguyễn Thế Huân, thành viên HĐQT VietinBank cho hay, ngân hàng này đã xử lý thu hồi hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42. Giải pháp được Ngân hàng vận dụng nhiều nhất là bán nợ ra thị trường. 

Thế nhưng, không hẳn mọi vướng mắc liên quan đến nợ xấu đã được xử lý dứt điểm. Theo lãnh đạo một ngân hàng, có khoản nợ đã bán thành công, song một thời gian sau, người mua quay lại “bắt vạ”, bởi cả năm vẫn không thể hoàn tất giấy tờ sang tên đổi chủ do vướng mắc cả rừng thủ tục.

Dù việc thu hồi nợ đã tăng mạnh so với trước, song nếu so với tổng khối lượng nợ xấu “tồn kho” thì vẫn còn ít ỏi. Thị trường mua bán nợ đã được tạo lập, nhưng khá èo uột, thiếu minh bạch, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn. Do đó, việc hình thành “chợ nợ xấu” đúng nghĩa là rất cần thiết. Trên thực tế, Đề án Thành lập sàn giao dịch nợ xấu đã được VAMC xây dựng, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, việc hình thành thị trường mua bán nợ không phải là vấn đề mới, bởi thực tế, các ngân hàng, VAMC và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã mua bán nợ với nhau. Nhưng Việt Nam chưa có thị trường chính thống, mà chỉ có một số tổ chức tham gia.

“Một thị trường nợ đúng nghĩa sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ và sau đó là hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển. Đồng thời, thị trường mua nợ tập trung, thông tin công khai, minh bạch sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư muốn mua nợ, nhưng không biết mua ở đâu”, ông Lực nhận xét.

Được biết, ngoài xây dựng Đề án Thành lập sàn giao dịch nợ xấu, VAMC đã xúc tiến thành lập Câu lạc bộ Xử lý nợ  để kết nối nhà đầu tư. VAMC cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác như KAMCO, SAM để chia sẻ kinh nghiệm và kết nối các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Khó khăn nhất hiện nay, theo VAMC, là hành lang pháp lý của Việt Nam chưa khuyến khích được nhà đầu tư tham gia thị trường này. “Quan trọng nhất là tạo được hành lang pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua lại khoản nợ xấu và trả lời được câu hỏi họ có thể làm gì với nợ xấu”, ông Đỗ Giang Nam băn khoăn.

Luật hóa nợ xấu, tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Nợ xấu có dấu hiệu tăng lên do Covid-19, trong khi xử lý nợ xấu hiện hữu đang chậm lại. Việc ban hành một khung pháp lý hoàn chỉnh, vững chắc về xử lý nợ xấu không chỉ giúp ngân hàng bớt thấp thỏm trong xử lý nợ xấu, mà còn khiến nhà đầu tư yên tâm hơn khi tham gia thị trường này.

Đại diện phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thế Huân cho rằng, quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu nói riêng còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các ngân hàng xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, tiến độ xử lý, thu hồi nợ qua cơ quan tòa án và thi hành án còn rất chậm. Tình trạng tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của cán bộ ngân hàng tham gia thu giữ tài sản đảm bảo vẫn diễn ra… Trong khi đó, Nghị quyết 42 lại có tính thời điểm (chỉ thí điểm thực hiện trong 5 năm). Vì vậy, nếu không sớm luật hóa nghị quyết xử lý nợ xấu, cả ngân hàng lẫn nhà đầu tư sẽ rất khó khăn với việc mua bán nợ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để xử lý rốt ráo nợ xấu, hình thành và phát triển thị trường nợ xấu, cần phải nhanh chóng luật hóa Nghị quyết 42 để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ, đặc biệt là tính cưỡng chế, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan để bộ luật có tính mạnh mẽ hơn. Việc có hành lang pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan…

Được biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu dự định luật hóa các quy định của Nghị quyết để đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng. Nếu điều này được hiện thực hóa, “chợ” nợ xấu tại Việt Nam sẽ sớm được hình thành.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Giải quyết dứt điểm những vướng mắc.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 có hiệu quả, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42.

Đồng thời, sẽ xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt hiệu quả.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất.

Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc VAMC

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện, có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia thị trường mua bán nợ, minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm)…

Trong đó, biện pháp quan trọng nhất là sớm luật hóa Nghị quyết 42 trước khi Nghị quyết hết hiệu lực, để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trên cơ sở kế thừa những quy định tại nghị quyết này có tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ. Đồng thời, xem xét sửa đổi một số luật chuyên ngành liên quan như Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự… để đồng bộ với các quy định tại Nghị quyết 42.
Nợ xấu tiếp tục cần Quốc hội “ra tay”
Tháng 6/2017, sau nhiều tranh cãi và cả lo ngại trước những quy định quá đặc thù, Quốc hội vẫn thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư