Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cho thuê hạ tầng bãi hàng ga đường sắt Yên Viên trong 23 năm
Anh Minh - 17/09/2015 08:36
 
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển IndoTrần (ITL- có trụ sở tại TP HCM) ký triển khai Dự án “Trung tâm Logistics đường sắt- ga Yên Viên”.
Ga Yên Viên (Hà Nội) được đầu tư theo hình thức xã hội hóa sẽ nâng cao được năng lực vận chuyển trên đường sắt với những công nghệ hiện đại
Ga Yên Viên (Hà Nội) được đầu tư theo hình thức xã hội hóa sẽ nâng cao được năng lực vận chuyển trên đường sắt với những công nghệ hiện đại

Theo đó, ITL sẽ  được thuê có điều kiện hạ tầng bãi hàng ga Yên Viên (Hà Nội) để đầu tư xây dựng trung tâm Logistics tại đây và thu phí dịch vụ để hồi vốn. Đây là dự án đầu tư hạ tầng đường sắt đầu tiên được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Cụ thể, ITL sẽ thực hiện đầu tư dự án tại khu vực bãi phía Nam ga Yên Viên với tổng diện tích sử dụng hơn 18.900m vuông với quy mô: làm thêm một đường sắt có chiều dài 345m, nâng cấp toàn bộ bãi hàng, đầu tư thiết bị cẩu, xe nâng, đường nội bộ... để khai thác tối đa công suất bãi khoảng 1,8 triệu tấn hàng hóa.

Dự án được thực hiện trong hai giai đoạn với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 90 tỉ đồng thực hiện từ 10-10-20105.  Giai đoạn 2, từ tháng 1-2016 sẽ lập báo cáo khả thi đầu tư khu vực bãi phía Bắc ga Yên Viên, xây dựng các phân khu hàng hóa, kho bãi, xếp dỡ...

Khi giai đoạn 1 đi vào khai thác sẽ tăng thêm 5-6 đôi tàu/ngày đến ga Yên Viên từ các đầu mối hàng hóa Hải Phòng, Cái Lân (Quảng Ninh), Sóng Thần (Bình Dương). Đến năm 2018 sẽ tăng sản lượng tuyến Yên Viên- Hải Phòng thêm 5 đôi tàu/ngày, tuyến Yên Viên - Cái Lân tăng thêm 3 đôi tàu/ ngày.

Ông Trần Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT ITL cho biết Trung tâm Logistic đường sắt ga Yên Viên đi vào hoạt động sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng lực xếp dỡ container và hàng hóa tại ga từ 3-5 lần. Tăng sản lượng hàng hóa thông qua ga Yên Viên gấp 2-3 lần, giảm thời gian tác nghiệp tại ga qua đó có nâng cao các hệ số quay vòng các đoàn tàu, giảm chi phí vận chuyển, tăng sản lượng và thu hút thêm khách hàng mới.

Theo thỏa thuận, ĐSVN có quyền tổ chức điều hành chạy tàu, dồn tàu, lập tàu, tập kết toa xe hàng tại khu ga và bãi hàng; giá dịch vụ được ITL xây dựng đơn giá và ĐSVN thẩm định, thống nhất; ITL cam kết không bồi hoàn khi nhà nước thu hồi bãi hàng để thực hiện dự án đường sắt đô thị đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên. ITL được sử dụng và khai thác Trung tâm Logistic đường sắt Ga Yên Viên với thời hạn 23 năm, sau đó chuyển giao toàn bộ cho đường sắt. Trong thời hạn khai thác, ITL được quyền thu phí nâng, hạ container và các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận.

Ông Trần Ngọc Thành -  Chủ tịch HĐTV ĐSVN cho biết dự án xã hội hóa hạ tầng đường sắt đầu tiên này có mục tiêu số 1 là tăng năng lực vận tải hàng hóa đường sắt, thứ hai là tạo thuận lợi cho khách hàng, thứ ba là đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Sau dự án này, ĐSVN tiếp tục kêu gọi đầu tư xã hội hóa các bãi hàng ở các ga Lào Cai, Đồng Đăng, Sóng Thần, Hải Phòng ... để tăng năng lực vận tải hàng hóa. ĐSVN trân trọng và sẵn sàng mở cửa hợp tác với các nhà đầu tư xã hội hóa  thực hiện các dự án trên.

Đường sắt Hà Nội - TP.HCM nhắm tốc độ chạy tàu 80 - 90 km/giờ
Có rất nhiều thay đổi được đánh giá là sát hơn với năng lực thực tế của ngành đường sắt Việt Nam tại Quyết định điều chỉnh Quy hoạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư