Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận HP Vĩnh Phúc
Chọn chiến lược "bắt tay thay vì đối đầu"
Gia Huy - 19/08/2016 09:21
 
Lọt vào Top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp tiêu biểu năm 2016, Nguyễn Xuân Phương đã thuyết phục được những giám khảo khó tính nhất – các doanh nhân tên tuổi – về cách dẫn dắt Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận HP Vĩnh Phúc mà Phương giữ vị trí giám đốc. Nhưng xa hơn, có thể chiến lược “bắt tay thay vì đối đầu” sẽ là cách để Phương vững bước trên đường trường.

Đã muốn là làm

Trong cuộc sống, có niềm đam mê đến từ những điều rất bình thường. Nguyễn Xuân Phương kể, quê ở Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi kinh doanh sầm uất, nên dù gia đình không ai theo nghiệp kinh doanh, Phương vẫn lớn lên trong sự sôi động của thương trường hàng ngày, ngay trước cửa nhà.

Vậy nên, cậu bé Phương mê sách mới nảy ra ý tưởng bán và cho thuê sách cũ, khi các chồng sách qua tay cậu cao dần, chật cứng các ngóc ngách trong nhà.

.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận HP Vĩnh Phúc

“Nghĩ là làm. Dồn sách của mình lại, lùng mua sách cũ của bạn bè và các cửa hàng đồng nát, thế là tôi có cửa hàng sách của riêng mình”, Phương kể về bước khởi nghiệp kinh doanh đầu đời. Nhưng chính tiệm sách cũ này đã chắp cánh ước mơ lớn hơn cho cậu chủ nhỏ. Có tiền, Phương tìm mua thêm sách quý mà trước đó cậu ao ước, nhưng không có tiền mua.

“Lúc đầu mua sách theo sở thích, rồi cho thuê hoặc bán lại. Nhưng dần tôi phát hiện ra, khi thực sự chú tâm vào chất lượng các cuốn sách, thực tâm yêu thích chúng, thì khách hàng của tôi hứng thú tìm đến nhiều hơn. Bài học về chữ tín trong kinh doanh đến với tôi nhẹ nhàng như vậy”, Phương chia sẻ.

Sự nghiệp kinh doanh sách cũ chấm dứt khi Phương đi đại học. Năm 2005, tốt nghiệp, Phương đầu quân vào một công ty nước ngoài trong lĩnh vực logistics. Niềm đam mê kinh doanh tưởng như chỉ còn là kỷ niệm thời thơ bé. Phương mải mê với công việc, bắt đầu đam mê công nghệ quản lý con người, hàng hóa hiện đại của một công ty nước ngoài.

“Tôi thích thú như một đứa trẻ với các phần mềm quản lý giờ giấc bằng vân tay, các kỹ thuật, tổ chức, nhập xuất bài bản với các quy trình chặt chẽ”, chàng trai sinh năm 1983 kể.

Nhưng, chính lúc vốn kiến thức dày lên, giấc mơ kinh doanh ngày nhỏ lại âm ỉ cháy, nhất là khi thấy nhu cầu về tư vấn khai thuê dịch vụ hải quan và giao nhận vận chuyển, logistics  ngày càng tăng.

Thời cơ đến. Năm 2012, Phương quyết định đi con đường riêng. Tháng 6/2012, Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận HP Vĩnh Phúc do Nguyễn Xuân Phương làm giám đốc ra đời với số vốn vay mượn hơn 400 triệu đồng.

Chiến lược tránh đối đầu

Vạn sự khởi đầu nan. HP Vĩnh Phúc non trẻ vấp vào thử thách lớn ngay khi khởi đầu. Khách hàng hủy hợp đồng, Công ty bị phạt tiền do không thực hiện đúng yêu cầu của hợp đồng. Vốn thiếu lại càng thiếu. Hình ảnh Công ty mới trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

“Tôi hiểu trong lĩnh vực này,  tôi phải cạnh tranh với những doanh nghiệp có vốn nước ngoài kinh nghiệm đầy mình, vốn lớn, người nhiều. Nhưng, tôi hiểu thế mạnh của mình, là nắm rõ luật lệ Việt Nam, có các mối quan hệ với cơ quan chức năng và quan trọng nhất là hiểu rõ văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. Đây phải là bàn đạp để phát triển”, Phương kể giai đoạn khó khăn.

Khi đó, để tránh cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp đi trước vốn tập trung vào tệp khách hàng ngoại, Phương chọn con đường khó hơn, đó là đến từng công ty Việt chào mời.

Cũng là may mắn khi lúc đó, Vĩnh Phúc phát triển mạnh các khu công nghiệp, có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Bắt đầu từ đơn hàng nhỏ nhất, làm tốt, rồi đến các đơn hàng lớn hơn. Có lần, doanh nghiệp đối tác thua lỗ, dù kinh tế khó khăn, nhưng Phương quyết chia sẻ khó khăn với đối tác.

Tiếng lành đồn xa, thương hiệu HP Vĩnh Phúc được nhắc tới nhiều hơn. Profile về kinh nghiệm của Công ty dày lên. Phương quyết định tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài.

Sau 4 năm, HP Vĩnh Phúc không chỉ là doanh nghiệp địa phương. Các văn phòng đại diện ở các tỉnh được thành lập. Tới đây, Giám đốc Phương sẽ mở rộng hoạt động ra thị trường châu Á và Mỹ La tinh. Phương tính toán các nước đi để kịp tạo thế cạnh tranh khi lĩnh vực này sẽ đón nhận áp lực lớn hơn nhiều khi các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam vừa tham gia đang và tiếp tục có hiệu lực, sẽ có cuộc đổ bộ mới của doanh nghiệp logistics nước ngoài.

“Trong cuộc cạnh tranh này, năng lực là yếu tố quyết định. Chúng tôi không thể đột phá nếu không có cách đi đột phá. Hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực sẽ giúp tôi tránh đi sự cạnh tranh hủy diệt. Tôi thích cách kinh doanh tất cả cùng thắng”, Phương tiết lộ.

Hiện giờ, Phương nhắm tới một mục tiêu lớn hơn, đó là HP Vĩnh Phúc sẽ đủ năng lực đảm nhận đầy đủ các dịch vụ theo đúng nghĩa nghề logistics. Kế sách đi cùng với những người khổng lồ là cách để Nguyễn Xuân Phương nhanh tới đích hơn…

Trò chuyện với Nguyễn Xuân Phương:

Kinh nghiệm khởi nghiệp của anh?
Có hai điểm. Một là, phải có ý tưởng riêng, có đam mê, nhiệt huyết và giữ được chữ tín trong kinh doanh cũng như cuộc sống.
Hai là, đừng sợ thất bại. Khi đã xác định rõ ý tưởng kinh doanh, phải đeo bám, kể cả khi thất bại. Vì chỉ một lần bỏ cuộc, bạn sẽ không thể thành công.

Anh đang điều hành công ty thế nào?
Trước hết là phải xây dựng quy trình và hệ thống, thường xuyên cập nhập công nghệ trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Trong lĩnh vực logistics, đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ cao là yếu tố tiên quyết. Chúng tôi cần những người phải biết ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh, am hiểu lĩnh vực vận chuyển, thuế, hải quan…

Doanh nghiệp mới thường đối mặt với thách thức về giữ chân người tài?
Chúng tôi có chế độ đãi ngộ tốt, bảo đảm đời sống tốt cho cán bộ, công nhân viên để họ cùng với mình toàn tâm, toàn ý phát triển doanh nghiệp.

Đến 2020, Hà Nội sẽ có 200.000 doanh nghiệp khởi nghiệp
Lần đầu tiên tại kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội đã đưa nội dung chất vấn liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư