Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Chống sở hữu chéo: Năm 2023 sẽ thanh tra việc mua bán cổ phần ngân hàng với mục đích thâu tóm
T.L - 08/05/2023 15:52
 
Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc thừa nhận khó khăn trong xử lý sở hữu chéo và cho biết đã đưa vào kế hoạch năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối ngân hàng.
Sở hữu chéo là một trong các vấn đề nhức nhối nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay (ảnh minh họa)

Sở hữu chéo rất khó xử lý nếu cổ đông lớn cố tình che giấu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 62/2022QH15 về hoạt động chất vấn. Chống sở hữu chéo là một trong các nội dung quan trọng được báo cáo đề cập tới.

Thống đốc cho biết, thời gian qua, NHNN đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD).

Nhờ vậy, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống TCTD từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế.  

Dù tình trạng sở hữu chéo chủ yếu phát sinh trước khi Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực, song Thống đốc thừa nhận, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.

Cũng theo NHNN, hiện nay, một số TCTD có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan. Mặc dù mức độ sở hữu không vi phạm quy định của pháp luật song tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bất cập hiện nay là pháp luật không có quy định về khái niệm đầu tư chéo. Hiện nay, một số TCTD cấp tín dụng (cho vay, đầu tư...) đối với cổ đông (tổ chức, cá nhân) và người liên quan của cổ đông. Tuy nhiên, quy định của pháp luật không cấm trường hợp TCTD cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan nếu tuân thủ quy định (Điều 126, 127, 128 Luật các TCTD về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng).  

NHNN cũng cho rằng, việc ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng khó khăn còn do liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ ngành trong khi NHNN chỉ quản lý các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc sở hữu chéo giữa các công ty trong lĩnh vực khác, Ngân hàng Nhà nước không có thông tin cũng như không có công cụ để kiểm soát.

Trước đó, trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Ví dụ, có tập đoàn thành lập tới hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN có thể nhìn thấy, nhưng không có chế tài để theo dõi, giám sát hết được, trong khi đây là lại là gốc rễ rủi ro an ninh tiền tệ - ngân hàng.  

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về cho vay với người liên quan, tránh ông chủ vay tiền cho các công ty con, song các tập đoàn lách quy định bằng việc đẻ ra hàng trăm công ty con để vay tiền.   

Thanh tra chuyển nhượng cổ phần ngân hàng trong năm 2023

NHNN cho biết, định hướng thời gian tới  tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của TCTD và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của TCTD, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn...trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo TCTD xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, NHNN xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro. Đồng thời, các bộ, ban ngành, đơn vị chủ quản của doanh nghiệp cần quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các TCTD tuân thủ quy định, sử dụng nguồn vốn đi vay, đặc biệt vốn vay từ các TCTD đúng mục đích, hiệu quả đảm bảo an toàn và trả nợ đúng hạn cho các TCTD.

NHNN cũng cho hay đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các TCTD có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối TCT; cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của TCTD...).

Ngoài ra, NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD.

Ngăn sở hữu chéo ngân hàng: Vì sao voi vẫn chui lọt lỗ kim?
Ngân hàng Nhà nước dự kiến ban hành các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn sở hữu chéo, rót vốn sân sau. Mặc dù vậy, việc ngăn chặn sở hữu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư