Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Chủ đầu tư khu công nghiệp mang xe cứu hỏa đi đòi nợ doanh nghiệp: Đâu là căn nguyên?
Ngô Nguyên - 11/02/2023 09:05
 
Chủ đầu tư khu công nghiệp ở TP.HCM dùng xe cứu hỏa chặn cổng đòi nợ một khách hàng, khiến lãnh đạo Công ty bị đòi nợ àm đơn kêu cứu khắp nơi.
Xe cứu hỏa và rào chắn do ITACO điều tới chặn cổng Công ty Việt Sinh
Xe cứu hỏa và rào chắn do ITACO điều tới chặn cổng Công ty Việt Sinh.

Để đòi nợ phí duy tu hạ tầng, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO, chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Tạo) dùng xe cứu hỏa chặn cổng Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất điện trở đốt nóng Việt Sinh (Công ty Việt Sinh), trong khi Công ty Việt Sinh yêu cầu ITACO phải trả sổ đỏ trước khi thanh toán nợ.

Chủ đầu tư khu công nghiệp đem xe cứu hỏa chặn cổng doanh nghiệp

Dư luận nhiều ngày qua xôn xao việc không chỉ những ngày sau Tết Nguyên đán 2023, mà trước đó, từ ngày 21 đến 23/12/2022, ITACO đã mang xe cứu hỏa chắn trước cổng Công ty Việt Sinh (tại Lô 24, Khu công nghiệp Tân Tạo, đường số 7, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM).

Bức xúc trước vụ việc này, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Giám đốc Công ty Việt Sinh đã làm đơn kêu cứu khắp nơi.

Tới ngày 3/2/2023, Công ty Tân Tạo dời xe đi và thay vào đó là hàng rào sắt kiên cố, chắn kín toàn bộ cổng ra vào Công ty Việt Sinh. Mọi đối tác, khách hàng, cán bộ - công nhân viên ra vào Công ty Việt Sinh đều bị nhóm bảo vệ của Công ty Tân Tạo lục soát, kiểm tra túi xách, giỏ.

Tới ngày 4/2, ITACO mới gỡ rào và nhân viên Công ty Việt Sinh mới có thể đi làm.

“Việc làm trên của ITACO đã gây thiệt hại rất lớn cho Công ty Việt Sinh trong gần 2 tháng qua, như sản phẩm làm ra không thể bán buôn, vật tư, nguyên liệu không thể nhập vào để sản xuất, gần 100 công nhân đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, không có thu nhập…”, bà Thùy cho biết.

Liên quan Khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng, tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 1068/TP-TTCP thông báo về kết quả thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị TP.HCM. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kết luận, đối với Khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng, từ năm 2000, Thủ tướng có quyết định giao 215,7 ha cho ITACO làm chủ đầu tư xây dựng, với thời hạn 50 năm.

ITACO đã cho 93 các nhà đầu tư thuê đất với hình thức trả tiền một lần và đã thu về tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và hơn 5,8 triệu USD trong giai đoạn trước ngày 1/7/2014, nhưng đến thời điểm thanh tra, vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước; cho 5 nhà đầu tư thuê lại đất trong giai đoạn từ ngày 1/7/2014 đến tháng 9/2017 với hình thức thu tiền một lần là hơn 142 tỷ đồng, vi phạm quy định.


Sau khi gỡ rào, tới ngày 7/2, ITACO lại phát Văn bản số 106/TB-KTXD-ITACO23 thông tin sẽ có tổ công tác của Công ty làm việc với Công ty Việt Sinh để kiểm tra, rà soát các hạng mục đấu nối hạ tầng tại cơ sở sản xuất của Công ty Việt Sinh trong Khu công nghiệp Tân Tạo, nhằm “phục vụ tốt công tác lập kế hoạch quản lý hệ thống thu gom nước mưa, nước thải và hạng mục đấu nối của cơ sở sản xuất vào hệ thống thu gom chung của Khu công nghiệp…”.

Công ty Việt Sinh chưa trả nợ

Trước căng thẳng trên, liên tiếp ngày 5/1 và 6/2/2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP.HCM (HEPZA) đã mời các bên tới làm việc. Thông tin tại cuộc họp ngày 5/1 và hồ sơ liên quan thể hiện, việc chặn cổng Công ty Việt Sinh không phải bột phát, mà ITACO đã công bố từ trước.

Cụ thể, theo Văn bản số 114/CV-TCKT-ITACO23 ngày 3/2/2023 do ITACO gửi Công ty Việt Sinh, thì trong tháng 12/2022, ITACO đã ra nhiều thông báo về việc sẽ “cấm các phương tiện xe 4 bánh trở lên, xe vận chuyển hàng hóa của quý công ty lưu thông trong Khu công nghiệp Tân Tạo do không thanh toán phí duy tu hạ tầng”.

Phía ITACO cho hay, hành động này xuất phát từ việc Công ty Việt Sinh nợ phí duy tu hạ tầng từ quý IV/2011 đến quý I/2023 và tiền lãi chậm thanh toán (tính đến ngày 2/2/2023) hơn 1 tỷ đồng. Ngày 19/5/2017, hai bên có cuộc họp liên quan và Công ty Việt Sinh cam kết thanh toán 50% tiền phí trong thời hạn không quá 30 ngày. “Nhưng từ thời điểm đó tới nay, Công ty Việt Sinh đã không thanh toán. Điều đó chứng tỏ, lãnh đạo Công ty Việt Sinh chỉ hứa suông, nên ITACO không có cơ sở đặt niềm tin vào lời hứa thanh toán…”, văn bản của ITACO nêu. Theo văn bản này, Công ty Việt Sinh còn nợ hơn 492 triệu đồng.

Từ đó, ITACO yêu cầu Công ty Việt Sinh thanh toán các khoản nợ trên, trong đó thể hiện “thiện chí” bằng việc xem xét giảm lãi chậm thanh toán nếu thanh toán 50% khoản nợ phí duy tu vào ngày 10/2/2023 và thanh toán 100% tới hết ngày 2/3/2023.

16 năm ITACO không chịu giao sổ đỏ

Tại buổi làm việc với Công ty Tân Tạo và HEPZA, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy cho biết, việc Công ty nợ chưa trả phí duy tu bởi chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ITACO như hợp đồng.

Cụ thể, năm 2007, Công ty Việt Sinh ký hợp đồng với ITACO về thuê đất làm nhà máy tại Khu công nghiệp Tân Tạo, thời gian thuê đất đến năm 2050. Ngay sau khi ký hợp đồng, Công ty Việt Sinh đã thanh toán đầy đủ 100% tiền thuê đất (4,9 tỷ đồng) cho ITACO.

Tại Điều 2, Phụ lục Hợp đồng thuê lại đất số 362/PLHĐ-TLĐ/KD-07 ngày 11/7/2007 do hai bên ký kết quy định rất cụ thể: "Sau khi bên B (Công ty Việt Sinh) thanh toán đủ 100% tiền thuê đất, bên A (ITACO) sẽ tiến hành bàn giao đất và làm các thủ tục để nhận quyền sử dụng đất cho bên B. Bên B sẽ được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi thanh toán đủ 100% tiền thuê đất và các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hiện hành".

Thế nhưng, đến nay đã 16 năm, ITACO vẫn chưa giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đã cam kết, vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng. Điều này gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp khi không được vay vốn ngân hàng, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê lại nhà xưởng…

Từ đó, bà Thùy bức xúc rằng, nếu vi phạm hợp đồng, thì ITACO vi phạm trước tiên và gây hậu quả lớn hơn cho doanh nghiệp. Vì thế, nếu ITACO buộc Công ty Việt Sinh phải chịu lãi phạt 150% tiền thuế giá trị gia tăng trả chậm, thì ITACO cũng phải trả lãi giá trị quyền sử dụng đất mà Công ty đã đóng từ năm 2007 tới nay.

Cũng theo bà Thùy, về trách nhiệm phải giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại Văn bản số 114/CV-TCKT-ITACO23 ngày 3/2/2023, ITACO nói, khi Công ty Việt Sinh thanh toán tiền nợ thuế giá trị gia tăng, thì ITACO sẽ tiến hành làm các hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật về việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Việt Sinh.

“Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách thanh toán đúng, đủ khoản nợ phí duy tu hạ tầng. Nhưng lời hứa giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chúng tôi liệu có chắc chắn như cam kết của lãnh đạo ITACO hay không? Bởi nhận được giấy này chúng tôi mới có thể vay ngân hàng để có vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh trong tình thế khó khăn hiện nay”, bà Thùy nói và minh chứng lời nói bằng văn bản mới đây (ngày 7/2/2023) gửi HEPZA và ITACO đề nghị không tính lãi tiền phí duy tu và sẽ trả làm 2 đợt vào ngày 31/3 và 30/6/2023.

Phân xử của Hepza và sự mịt mờ quyền sử dụng đất

Liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải giao cho Công ty Việt Sinh, tại buổi làm việc với HEPZA (do ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban HEPZA chủ trì), ông Nguyễn Thanh Phong, Phó tổng giám đốc ITACO cho biết: "Hiện nay, toàn bộ diện tích đất tại Khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng đang trong quá trình tranh chấp tại Tòa án với Cục Thuế TP.HCM, liên quan việc nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, nên chưa thể thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, theo ông Phong, việc đóng phí duy tu được tính khi doanh nghiệp sử dụng hạ tầng của Khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà xưởng, hoạt động kinh doanh, không có quy định ràng buộc với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đại diện HEPZA tại cuộc họp dẫn loạt quy định, quy chế thu và sử dung phí duy tu hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM rồi kết luận: “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không liên quan đến việc thu nộp phí duy tu hạ tầng. Do đó, đề nghị Công ty Việt Sinh đóng phí theo quy định và đề nghị ITACO không tính lãi chậm nộp phí duy tu. Hiện nay, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Việt Sinh phụ thuộc vào quá trình tranh chấp giữa ITACO và Cục Thuế TP.HCM tại tòa án".

Theo văn bản của ITACO gửi Công ty Việt Sinh, việc chặn xe đòi nợ là “theo quy định”. Nhưng theo phân tích của một luật sư, việc đòi nợ bằng việc mang xe cứu hỏa, xe tải hay rào chắn… thì không có quy định pháp luật nào cho phép.

Do hai bên không thống nhất ý kiến, HEPZA đề nghị phải tuân theo Phụ lục Hợp đồng thuê đất mà hai bên đã ký. Tại Điều 7 của Phụ lực hợp đồng thể hiện, nếu không thể giải quyết, hai bên có quyền đưa sự việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

Được biết, phí duy tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Tạo được HEPZA ban hành năm 2009. Hàng năm, phí này đều do HEPZA phê duyệt quyết toán. Hàng quý, ITACO đều phải trích nộp 10% cho HEPZA.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh vụ việc khi có phán xử liên quan của cơ quan chức năng.

Liên quan Khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng, tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 1068/TP-TTCP thông báo về kết quả thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị TP.HCM. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kết luận, đối với Khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng, từ năm 2000, Thủ tướng có quyết định giao 215,7 ha cho ITACO làm chủ đầu tư xây dựng, với thời hạn 50 năm.

ITACO đã cho 93 các nhà đầu tư thuê đất với hình thức trả tiền một lần và đã thu về tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và hơn 5,8 triệu USD trong giai đoạn trước ngày 1/7/2014, nhưng đến thời điểm thanh tra, vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước; cho 5 nhà đầu tư thuê lại đất trong giai đoạn từ ngày 1/7/2014 đến tháng 9/2017 với hình thức thu tiền một lần là hơn 142 tỷ đồng, vi phạm quy định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư