Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chủ động hơn trong phòng vệ thương mại
Hải Yến - 27/11/2021 14:34
 
Cùng với tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng ngày càng thành thục hơn trong việc ứng phó với các vụ kiện phòng vệ từ nước ngoài tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khoảng 20 - 22% vụ điều tra không đi tới áp thuế

Những vụ việc khởi kiện liên quan đến phòng vệ thương mại với 3 biện pháp chính là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được các nước trên thế giới thực hiện với nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh trong những năm gần đây.

Nếu giai đoạn 2005 - 2010 mới có 25 vụ việc, thì giai đoạn 2011 - 2015 đã tăng lên 52 vụ và từ năm 2016 đến tháng 10/2021 là 109 vụ.

Việc gia tăng này không khó hiểu, khi đã mở cửa hội nhập với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và 2 FTA đang đàm phán. Với lợi thế từ các FTA, xuất khẩu của nước ta tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua, nhiều mặt hàng đã tạo sức ép cạnh tranh lớn tại không ít thị trường.

Tại Hội nghị Cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế tăng lên nhiều lần, hàng hóa thâm nhập, cạnh tranh sòng phẳng tại nhiều thị trường đồng nghĩa với việc các quốc gia gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ với hàng Việt Nam.

Nhìn theo khía cạnh tích cực, cùng với tiến trình hội nhập, việc thích ứng và hiểu biết của các doanh nghiệp Việt về phòng vệ thương mại ngày càng cải thiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) khẳng định, sự gia tăng hiểu biết pháp luật về phòng vệ thương mại, chủ động cung cấp thông tin, dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu và sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước đã mang đến kết quả thuận lợi trong nhiều vụ việc.

“Khoảng 20 - 22% vụ điều tra chống bán phá giá không đi tới kết quả áp thuế với hàng hóa Việt Nam, đồng thời đạt được kết quả thuận lợi trong các lần rà soát hành chính”, bà Trang thông tin.

Làm rõ hơn vấn đề này, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) nêu ví dụ, trong hầu hết các vụ việc Canada điều tra trợ cấp đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra của nước này đều có kết luận chung là doanh nghiệp Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể.

Ngoài ra, Australia cũng đã chấm dứt nhiều vụ việc điều tra mà không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Chủ động ứng phó

Sự va vấp trong vụ việc hàng hóa Việt Nam bị nước ngoài khởi kiện trong giai đoạn vừa qua đã tăng nhận thức và khiến doanh nghiệp chủ động, tích cực hơn, nhưng theo các chuyên gia, thì vẫn chưa đủ.

Với nền kinh tế có độ mở lớn và xuất nhập khẩu là một trong những trụ cột tăng trưởng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin, luật pháp về phòng vệ thương mại, lưu trữ chứng từ đầy đủ để đảm bảo hiệu quả công tác xác minh của bên khởi kiện trong vụ việc cụ thể.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, trong vụ việc cụ thể, những doanh nghiệp lưu trữ thông tin, hồ sơ tốt, thì năng lực chứng minh mình không bán phá giá hay không nhận trợ cấp của Chính phủ sẽ tốt hơn nhiều so với doanh nghiệp không lưu trữ hồ sơ.

Đánh giá cao sự chủ động của một số doanh nghiệp trong các ngành hàng, điển hình là thủy sản, ngành thép - 2 ngành có nhiều trường hợp bị áp dụng phòng vệ thương mại, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kỳ vọng, sự chủ động này sẽ lan rộng trong các doanh nghiệp, chứ không chỉ tập trung ở những doanh nghiệp lớn trong một số ngành hàng trọng điểm như hiện nay.

Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện UKVFTA về phòng vệ thương mại
Nội dung về phòng vệ thương mại được quy định trong Hiệp định UKVFTA có nhiều điểm tương tự như trong Hiệp định Thương mại tự do giữa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư