Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Có 161 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt giai đoạn 2011-2021
Thế Hoàng - 22/10/2021 14:26
 
Chỉ tính trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2011-2021), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành đối tượng của 161 vụ việc phòng vệ thương mại, chiếm tỷ lệ 77%.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài
Sắt thép, xơ sợi, gỗ dán...là những mặt hàng xuất khẩu đối mặt với biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất trong những năm qua.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. 

Hết tháng 8 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 208 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực. Nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Phòng vệ thương mại là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Do đó, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Các nền kinh tế có xuất khẩu càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.

Quy mô xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được mở rộng nhờ thu hút các dự án FDI vào đầu tư sản xuất, và nguồn vốn đầu tư từ trong nước, nhờ đó, hết 9 tháng 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Cả nước ghi nhận 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%).

Với vị trí là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự tăng trưởng của nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD, các quốc gia ngày càng "để mắt" tới các nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam để dựng hàng rào thương mại, bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Theo đó, chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu, nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho nền kinh tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu đang được ngành Công thương phối hợp với các Bộ ngành triển khai mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong đó, hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại là giải pháp giúp các doanh nghiệp ứng phó tích cực với các công cụ phòng vệ thương mại.

Ông Dũng cho biết, kinh nghiệm từ việc phối hết hợp với các ngành liên quan nhằm thu thập thông tin, cảnh báo sớm, sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra...đã giúp trong nhiều vụ việc, hàng hóa Việt Nam thoát được các công cụ phòng vệ thương mại, giảm được tổn thất cho doanh nghiệp và cả ngành hàng.

Cụ thể, trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Chẳng hạn như trong hầu hết các vụ việc Canada điều tra trợ cấp đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra của Canada đều có kết luận chung là doanh nghiệp Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể. Australia đã chấm dứt nhiều vụ việc điều tra mà không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như vụ việc điều tra đối với ống thép chính xác và dây đai thép phủ màu. 

Nhiều vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng có kết quả tích cực khi hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam đều không bị áp thuế chống bán phá giá (cá basa, tôm và gần đây nhất là mặt hàng lốp xe), giúp kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này được giữ vững và tăng trưởng. 

"Không chỉ giải quyết ở cấp độ song phương, Việt Nam cũng đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp phòng vệ thương mại của các nước ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam. Nhờ các hoạt động hỗ trợ đang được triển khai, trung bình khoảng 2/3 số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam không dẫn đến kết quả bất lợi đối với các doanh nghiệp", ông Dũng cho hay.

10 mặt hàng xuất khẩu nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Danh sách các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp do Cục Phòng vệ thương mại vừa cập nhật:có: tủ gỗ, gỗ dán, đá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư