Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Bình Thuận: Khuyến khích dự án tạo động lực phát triển
Ngọc Tuấn - 13/07/2016 13:57
 
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trao đổi về giải pháp đột phá của địa phương để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang hoạt động thế nào, thưa ông?

Đến nay, tỉnh có 4.590 DN đăng ký thành lập, với tổng vốn đăng ký hơn 49.000 tỷ đồng. Khu vực DN đóng góp vào nền kinh tế chiếm tỷ trọng hơn 11,28%.

Đặc biệt, 3.000 DN tư nhân đóng góp tới 11,05%. Trong số đó, 59,27% DN có lãi. Đây là những con số đáng mừng.

.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận 

Bình Thuận đã thu hút được 1.199 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 181.608 tỷ đồng, trong đó, đã có 808 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 114.732 tỷ đồng.

Bình Thuận sẽ có bước đi gì tiếp theo để cải thiện môi trường kinh doanh?

Chúng tôi sẽ ban hành 2 chương trình hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Theo đó, chúng tôi sẽ chuyển bộ máy hành chính từ quản lý sang phục vụ. Đó là căn cứ để tự soi mình, nỗ lực nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành kinh tế. Đo lường sự hài lòng của người dân bắt đầu từ nguyên tắc chỉ đạo từ trên xuống dưới thay vì làm ngược quy trình như hiện nay.

Tới đây, Bình Thuận sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN để lắng nghe, tiếp thu và rà soát, bổ sung một loạt cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, kinh doanh nhằm tạo độ mở thông thoáng hơn nữa, phù hợp với Luật Đầu tư và Luật DN.

Thưa ông, việc cải thiện môi trường kinh doanh của Bình Thuận hiện tập trung vào khâu đột phá nào?

Đối với lĩnh vực đất đai, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bên cạnh đó việc xử lý hồ sơ liên quan đến các công trình trọng điểm, dự án lớn và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải được làm tốt hơn.

Về tiếp cận thông tin, các sở, ngành phải công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền. Các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án kêu gọi đầu tư và chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DN phải được công bố và cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin điện tử.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế một cửa và một cửa liên thông; rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn chi phí thời gian gia nhập thị trường và  thực hiện các quy định Nhà nước cho DN.

Ông có gửi thống điệp gì tới cộng động DN, nhà đầu tư?

Bình Thuận đang tập trung huy động, khai thác tối đa các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn xã hội để đầu tư phát triển cơ sở kỹ thuật, hạ tầng thiết yếu như sân bay, cảng vận tải, giao thông đối ngoại, năng lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi nỗ lực cải thiện tốt môi trường đầu tư để thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch, các khu công nghiệp, các dự án có hàm lượng công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực lợi thế của tỉnh.

Tuy nhiên, tỉnh sẽ chú trọng và khuyến khích dự án phát huy tiềm năng lợi thế, các dự án mang tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển.

Với quan điểm “Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế - xã hội”, chúng tôi cam kết đồng hành cùng DN.

150.000 USD hỗ trợ chống hạn cho 1.250 hộ dân nghèo tại Bình Thuận
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) sẽ hỗ trợ 150.000 USD cho 5.000 trẻ em và người lớn (tương đương 1.250 hộ) đang chịu ảnh hưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư