Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch FPT: "2021 tiếp tục là một năm thử thách lòng quả cảm của doanh nghiệp Việt"
Hồng Phúc - 25/03/2021 16:47
 
Năm 2021 được ông Trương Gia Bình đánh giá là một năm thử thách lòng quả cảm của doanh nghiệp, với những tác động khó đoán từ đại dịch và diễn biến tiếp theo của “trật tự thế giới mới”.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT gọi 2020 là năm “lửa thử vàng” chưa từng có trong lịch sử thế giới với sự hoành hành của đại dịch Covid-19, dẫn tới khủng hoảng mang tầm thế kỷ của kinh tế- xã hội toàn cầu, cướp đi mạng sống con người, mạng sống doanh nghiệp và công việc người lao động.

Còn năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm thử thách lòng quả cảm của doanh nghiệp, với những tác động khó đoán từ đại dịch và những diễn biến tiếp theo của “trật tự thế giới mới”. 

Thành viên sáng lập, “linh hồn” FPT cho rằng, một mặt, đại dịch không cho phép bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào có sự lựa chọn nào khác ngoài chuyển lên trực tuyến. 

Mặt khác, nó tạo ra cơ hội lớn chưa từng có cho những chiến binh can trường, dám vượt qua các giới hạn và thông lệ để bứt phá, chuyển bại thành thắng. 

“Khi đối mặt với thách thức lịch sử không thể đảo ngược, FPT chọn kiên định nắm bắt ‘cơ’ trong ‘nguy’, phản ứng nhanh trước biến cố, ‘mỗi người làm việc bằng hai’, quyết tâm không để người lao động mất việc, dù chỉ một người”, Chủ tịch FPT chia sẻ trong Báo cáo thường niên năm 2020.

.
Một số kết quả kinh doanh nổi bật của FPT trong năm 2020.

Nếu đánh giá tổng quan, Tập đoàn này vẫn giữ vững vị thế thương hiệu công nghệ có giá trị nhất Việt Nam trong năm 2020 (ước tính gần 218 triệu USD) với tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 29.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 4.400 tỷ đồng (tăng lần lượt 7,6% và 13% so với năm 2019).

Ở lĩnh vực công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài, FPT vượt mốc doanh thu 500 triệu USD, với mức tăng trưởng 8-9% ở hai thị trường trọng yếu là Nhật Bản và Mỹ. 

Tập đoàn này còn có thêm một trung tâm sản xuất phần mềm tại Ấn Độ (quy mô 1.000 lao động) và một trung tâm nghiên cứu phát triển tại Costa Rica được mở ra phục vụ nhu cầu tức thời của khách hàng tại Mỹ và toàn cầu. 

Nguồn doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số trong năm 2020 của FPT đã tăng 31%, đạt 3.219 tỷ đồng. 

Một năm 2020 đầy bão bảo táp đã đi qua, nhưng theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn là mối đe dọa lớn với nhân loại. 

Nền kinh tế thế giới lao đao, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt đoạn, nhiều ngành nghề đối mặt khủng hoảng trầm trọng. 

Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm chứng kiến sự thăng hoa của ngành công nghệ thông tin, khi công nghệ thành công cụ quan trọng cho các hoạt động offline lên online, giúp người dân doanh nghiệp và Chính phủ thích nghi với một bình thường mới. 

.
10 cổ đông lớn nhất của FPT, tính đến 04/03/2021.

Với FPT nói riêng, Covid-19 là phép thử sức bền và tính thích nghi. 

Con người là nhân tố quan trọng để biến động lực thành động lực tăng trưởng thành kết quả. 

Cùng với đó, một chế độ làm việc “thời chiến” được kích hoạt để thích ứng với Covid-19; tính kỷ luật được đặt lên hàng đầu; 31 dự án chuyển đổi số nội bộ được triển khai toàn diện, từ hoạt động quản trị đến vận hành, bán hàng, nâng cao hiệu suất của mỗi cá nhân giúp FPT tiết kiệm gần 170 tỷ đồng.

Covid-19 được ban lãnh đạo FPT đánh giá là thời cơ vàng của chuyển đổi số, khi công nghệ trở thành yếu tố quyết định sự sống còn của nhiều doanh nghiệp.

IDC dự báo ngành công nghệ thông tin toàn cầu đang trên đà vươn tới doanh thu 5.000 tỷ USD trong năm 2021, tăng trưởng 4,2%. 

Riêng tại Việt Nam, 72% doanh nghiệp SME đang tìm cách chuyển đổi số, tăng 40% so với tỷ lệ hồi năm 2019. 

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 đã được Hội đồng quản trị FPT thông qua trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát, với chỉ tiêu doanh thu 34.720 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng (tăng lần lượt 16,4% và 18% so với kết quả năm 2020).

Trong đó, chuyển đổi số sẽ tiếp tục là trọng tâm trong chu kỳ phát triển tiếp theo, mang về nguồn thu bền vững trong dài hạn cho FPT.

Ông John Chambers - cựu chủ tịch Cisco Systems nhận định rằng, ít nhất 40% doanh nghiệp trên thế giới sẽ biến mất trong vòng 10 năm nữa nếu như người lãnh đạo không biết cách thay đổi công ty của mình để thích ứng với các công nghệ số mới.

Từ nhận định này của ông John Chambers, ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Digital cho rằng, nếu ở trong một tổ chức/doanh nghiệp, người lãnh đạo không đủ hiểu biết, không đủ quyết tâm để thực hiện chuyển đổi số thì quá trình gục ngã và thất bại của một doanh nghiệp chỉ là vấn đề thời gian.

Trong câu chuyện này, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng và họ là những người luôn luôn đi tiên phong.

Ở bất cứ công việc gì, sự hiểu biết và cam kết của người lãnh đạo luôn là yếu tố then chốt đầu tiên để một doanh nghiệp có thể thực hiện được một công việc nào đó, đặc biệt trong vấn đề chuyển đổi số, vai trò của người đạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Để làm được việc này, lãnh đạo cần học tập, trau dồi và tìm hiểu thêm về những khía cạnh của quá trình chuyển đổi số có liên quan đến mô hình kinh doanh.

Sự thay đổi về công nghệ và việc chuẩn bị sẵn sàng cho nguồn nhân lực là những mảng mà người lãnh đạo liên tục phải học hỏi, trau dồi, để có thể là tìm ra giải pháp phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình. 

Chia sẻ với baodautu.vn, ông Việt Anh đánh giá, quá trình chuyển đổi số của một doanh nghiệp, vai trò của người lãnh đạo rất là rộng, nhưng có thể tóm lại trong 5 việc đặc biệt quan trọng nhất.

Thứ nhất, xác lập tầm nhìn và đặt cam kết cao nhất cho việc triển khai.

Thứ hai, thực hiện trực tiếp và tạo ra động lực trong nội bộ, từ đó, có thể đảm bảo việc thực hiện thành công.

Thứ ba, mạnh dạn quản lý và phân công triển khai sử dụng các công nghệ số mới, nhằm tạo ra hiệu quả cụ thể và thiết thực cho doanh nghiệp ở quy mô lớn.

Thứ tư, chủ động nỗ lực kết nối, đối thoại cởi mở, sáng tạo giữa các tầng lớp nhân viên trong tổ chức, trong suốt quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Thứ năm, là người làm gương trong việc thực hiện các nhiệm vụ của quá trình chuyển đổi số, cũng như tiên phong trong việc sử dụng, ứng dụng những kết quả của quá trình chuyển đổi đem lại.

“Chuyển đổi số là chìa khoá để tiếp cận chương trình giáo dục chất lượng cao”
Chuyển đổi số giúp giảm chi phí và ai cũng có thể tiếp cận chương trình giáo dục chất lượng cao nhưng theo giám đốc quốc gia ELSA tại Việt Nam,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư