Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Chủ tịch Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Hạnh Phúc - 25/06/2023 09:25
 
Tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn đi qua tỉnh Đồng Tháp, sáng 25/6/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, vượt kế hoạch

Phát biểu tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn đi qua tỉnh Đồng Tháp, sáng 25/6/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ Khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, tới dự tham dự lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ nhiệm uỷ ban kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên,...

Thay mặt lãnh đạo các địa phương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các quý vị đại biểu, các cơ quan thông tấn báo chí và Nhân dân các địa phương đã đến dự Lễ khởi công Dự án đặc biệt quan trọng hôm nay.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; 

Đồng thời là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56 ngày 16/6/2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106 ngày 18/8/2022 để triển khai thực hiện. 

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh); tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 héc ta, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức. 

Dự án có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng, vốn Nhà đầu tư BOT là 29.447 tỷ đồng. 

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm 7 dự án thành phần do TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản. 

Trong đó, 3 dự án giải phóng mặt bằng và 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành được thực hiện theo hình thức đầu tư công, riêng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. 

Cũng theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ngay sau khi Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, TP. Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương.

“TP. Hà Nội đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ trì làm việc với các địa phương để thành lập ngay Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng Ban, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Bắc Ninh và đồng chí Chủ tịch UBND TP. Hà Nội làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Đã mời đại diện Lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tham gia Ban chỉ đạo”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin. 

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã hoàn thành trên 80%, trong đó TP. Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%).

Đồng thời, 3 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo riêng để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. UBND TP.Hà Nội đã phối hợp với UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh ban hành Kế hoạch tổng thể tổ chức thực hiện dự án, khớp nối các nhiệm vụ và tiến độ từng hạng mục công việc, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ trong quá trình triển khai, làm cơ sở thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ.

Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân các địa phương, đến nay, sau 1 năm 9 ngày, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP. Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023). 

“Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó TP. Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%)”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết.

Kinh nghiệm chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô 

Tại buổi Lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo một số kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Một là, phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân; với tinh thần lấy kết quả thực hiện ự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của Thành phố. 

“Huy động sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ TP. đến cơ sở. Qua đó đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và người dân”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh. 

Hai là, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện. 

Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. 

Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính của ự án (TP. Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về dự án đường Vành đai 4 và đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục từ 24 đến 48 tiếng tại mỗi cơ quan, đơn vị).

Ba là, tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, thành phố Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. 

Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án, TP. Hà Nội đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Để đạt được những kết quả quan trọng ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, thành phố, là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương”.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo TP. Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai đảm bảo tiến độ đề ra.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành; đảng bộ, chính quyền và nhân dân các quận, huyện có dự án đi qua. “Đặc biệt, tôi xin ghi nhận và chân thành cảm ơn sự đồng lòng, ủng hộ và sẻ chia của những hộ dân đã bàn giao đất để phục vụ xây dựng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội”, ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ.

Hôm nay (25/6/2023), hai dự án quan trọng được khởi công là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn đi qua tỉnh Đồng Tháp.
Đây là hai dự án trọng điểm, có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và liên kết vùng. Tính đến thời điểm này, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được hơn 84% và dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đạt tiến độ GPMB tới 96%.
Riêng với dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được khởi công, động thổ đồng loạt tại 6 vị trí thuộc ba địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Tại Hà Nội, 4 điểm tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội gồm: Km28+900, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội; Quốc lộ 2 giao đường Vành đai 4 xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; Đường trục phía Nam, giao đường Vành đai 4 xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội; Km190+270 đường Quốc lộ 1A giao với Vành đai 4, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, tới dự tham dự lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ nhiệm uỷ ban kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Bí thư tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư