Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Hà Nội: Khi Thành phố có kết quả xét nghiệm, Công ty Nước sạch sông Đà vẫn không thừa nhận
Thu Trang - 04/11/2019 14:30
 
"Công ty sau khi phát hiện ra vụ việc đã chỉ đạo công nhân nhà máy cho rất nhiều clo để xử lý nước bị ô nhiễm. Thậm chí, đến sáng 15/10, khi thành phố nhận được kết quả từ Bộ Y tế và công bố công khai ngay trong chiều 15 thì công ty vẫn chưa chịu thừa nhận"...
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo giải trình tại phiên họp giải trình.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo giải trình tại phiên họp HĐND sáng nay

Tại phiên họp giải trình của HĐND TP về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội diễn ra sáng nay (4/11), Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải trình về việc ứng phó của của thành phố liên quan đến sự cố nhiễm bẩn của CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà.

"Cho phép tôi thay mặt lãnh đạo thành phố, xin được rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc giải quyết sự cố ô nhiễm nước vừa qua", ông Chung nói. Chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định, Thành phố sẽ tập hợp một buổi họp với sự có mặt đầy đủ của các bên liên quan trên cơ sở đó để rút kinh nghiệm, có ứng phó kịp thời hơn với người dân ở các vùng liên quan đến cấp nước khi có sự cố. 

Thừa nhận một phần trách nhiệm của thành phố Hà Nội trong vụ việc trên, người đứng đầu thành phố khẳng định trách nhiệm của đơn vị cấp nước - CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà - là rất lớn.

"Công ty sau khi phát hiện ra vụ việc đã chỉ đạo công nhân nhà máy cho rất nhiều clo để xử lý nước bị ô nhiễm. Thậm chí, đến sáng 15/10, khi mà thành phố nhận được kết quả từ Bộ Y tế và công bố công khai ngay trong chiều 15/10 thì công ty vẫn chưa chịu thừa nhận. Bản thân tôi và Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo cùng cổ đông chính của công ty thì lúc đó họ mới thừa nhận", Chủ tịch Chung cho biết.

Người đứng đầu thành phố cho hay, qua kiểm tra, nhà máy nước mặt sông Đà là nhà máy duy nhất trên địa bàn Hà Nội không có thiết bị quan trắc tự động bởi lý do đã được đầu tư xây dựng từ lâu và sử dụng nước chung trong hồ Đầm Bài nên không có hệ thống quan trắc, tuy nhiên việc lấy mẫu xét nghiệm vẫn được nhà máy làm thường xuyên.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình trước đó cũng cho thấy, trong quá trình xây dựng Nhà máy nước sạch sông Đà, CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà đã “mượn” hồ Đầm Bài để lấy nước nguồn xử lý, cấp nước sạch cho thủ đô Hà Nội.

Ông Chung cũng giải thích, việc sử dụng chung hệ thống liên quan đến xử lý nước trong hồ Đầm Bài giúp cho Nước sạch sông Đà không phải xử lý bùn lắng, giảm giá thành. Và thực tế, trong các thời điểm đường ống bị vỡ, Nước sạch sông Đà cũng chỉ cung cấp được từ 100.000-145.000 m3 nước. Năm 2016, sau khi thành phố yêu cầu làm bể tăng áp ở đường Vành đai 3 thì công ty này mới tăng lên được 210.000 m3 nhưng cũng chưa đạt 300.000 m3. Do đó, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội yêu cầu công ty lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và công ty cam kết sẽ hoàn thành sau 3 tháng.

Trước đó, để đảm bảo an toàn nguồn nước trước mắt cũng như về lâu dài, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà cần phải đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy, không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài.

Nước sạch sông Đà xin lỗi người dân, cho biết sẽ bồi thường khách hàng
Hơn 2 tuần sau khi xảy ra vụ bê bối nước nhiễm bẩn, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà chính thức đưa ra lời xin lỗi và cho biết sẽ bồi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư