Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Bộ Tài chính thiếu trách nhiệm
Mạnh Bôn - 13/08/2014 12:02
 
() Nếu Quỹ BHXH ủy thác đầu tư thông qua hợp đồng quản lý đầu tư và đầu tư theo các hình thức đầu tư khác do Chính phủ quy định thì nguy cơ mất vốn rất lớn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đề xuất gây "sốc" về bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi: Phú quý giật lùi?
Bảo hiểm xã hội thất thu 84.000 tỷ đồng/năm
Thứ trưởng Bộ Tài chính giữ chức TGĐ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
“Quỵt” tiền bảo hiểm sẽ bị quy trách nhiệm hình sự

Chưa cần nói tới việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), chưa tính tới chuyện tăng tuổi nghỉ hưu chưa, thay đổi cách tính lương hưu… chỉ riêng việc đầu tư theo Luật BHXH sửa đổi vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lo quỹ này có thể bị vỡ nếu Quốc hội thông qua.

  Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Bộ Tài chính thiếu trách nhiệm  
  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  

Nguyên tắc đầu tư của Quỹ BHXH là phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết.

Liệu nguyên tắc này có thực hiện được không, khi mà theo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi thì ngoài việc mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ và cho ngân sách nhà nước vay, Quỹ BHXH còn được đầu tư dưới hình thức gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia; ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư; và các hình thức đầu tư khác do Chính phủ quy định.

“Việc Bộ Tài chính đồng ý với các hình thức đầu tư này và đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tôi thấy là các đồng chí thiếu trách nhiệm”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên như vậy tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi bàn về vấn đề này.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cứ “cho qua” quy định này và trình Quốc hội thông qua thì sớm muộn Quỹ BHXH cũng sẽ đối mặt với nguy cơ bị vỡ.

BHXH không phải là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như các định chế tài chính khác, nên theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, nếu cho phép thực hiện ủy thác đầu tư thì vô cùng nguy hiểm. Tiền của Quỹ là tiền của người dân đóng góp vào khi còn đi làm và sẽ được hưởng khi hết tuổi lao động, là nguồn tài chính vô cùng quan trọng để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho những người hết tuổi lao động, nếu đầu tư tràn lan dẫn đến mất vốn thì vô cùng nguy hiểm.

“Cho đầu tư cái gì, đầu tư vào đâu thì phải quy định cụ thể trong luật chứ không có chuyện được đầu tư theo các hình thức đầu tư khác do Chính phủ quy định”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định. Theo ông, tiền nhàn rỗi của Quỹ có thể đầu tư vào những nơi mà ngân sách nhà bảo đảm, bảo lãnh như mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, cho ngân sách nhà nước vay thì được, còn dứt khoát không có chuyện góp vốn, mua cổ phần của bất cứ tổ chức, doanh nghiệp, công trình, dự án nào.

“Nếu cho phép đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia thì Quỹ BHXH có thể đầu tư vào đường cao tốc, các dự án có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên, đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân… Đầu tư như vậy thì chết rồi!”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lo lắng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, quy định cho phép Quỹ BHXH được đầu tư dưới hình thức gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; mua trái phiếu, tín phiếu của các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là bất bình đẳng và quá cứng nhắc.

Vì với quy định này, Nhà nước đã khẳng định phân biệt đối xử giữa ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ cổ phần chi phối với các ngân hàng còn lại. Hơn nữa, thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các ngân hàng hiện nay Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư để tăng vốn, thực hiện cổ phần hóa thì tỷ lệ vốn nhà nước trong ngân hàng sẽ giảm xuống nên quy định cứng nhắc sẽ khó thực hiện trong thời gian tới.

“Hơn nữa, trong cơ chế thị trường, ngay cả ngân hàng thương mại nhà nước cũng không phải là không có rủi ro. Và giả sử rủi ro xảy ra thì sự an nguy của Quỹ BHXH bị đe dọa nếu gửi tiền vào ngân hàng”, ông Giàu nói.

Theo Dự thảo, nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ; thực hiện thủ tục hành chính, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; chi cho bộ máy quản lý; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức và người lao động làm công tác BHXH… hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ.

“Không nên sử dụng tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ chi này”, ông Giàu khuyến cáo.

Nếu thực hiện theo nguyên tắc lấy tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư để thực hiện nhiệm vụ chi, có khả năng, vì nhiệm vụ chi của mình, Quỹ BHXH đầu tư vào cả những lĩnh vực có nhiều rủi ro, nhưng lợi nhuận cao, và nếu rủi ro xảy ra thì nguy cơ vỡ Quỹ sẽ rất lớn.

“Để nâng cao trách nhiệm của Quỹ trong việc quản lý đối tượng đóng, hưởng BHXH, góp phần cân bằng thu chi, cần quy định khoản chi của Quỹ được trích từ số thực thu bảo hiểm hằng năm. Mức trích bao nhiêu giao Chính phủ quy định cho phù hợp với từng thời kỳ”, ông Giàu đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư