Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ
Trúc Giang - 07/04/2022 09:45
 
Công trình như một biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết, điểm hội tụ văn hoá tâm linh dân tộc Việt Nam, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ

Tối ngày 6/4, tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã diễn ra Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành Trung ương và các địa phương tham dự buổi Lễ.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ là công trình văn hóa tín ngưỡng đặc biệt, góp phần vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa dân tộc.

“Lễ Khánh thành hôm nay là sự kiện quan trọng, là niềm vinh dự, niềm tự hào to lớn, thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính tổ tiên; đáp ứng sự mong mỏi, nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo người dân Cần Thơ, người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhân dân Việt Nam. Để gìn giữ tôn vinh giá trị của Đền thờ Vua Hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ có trách nhiệm phải bảo tồn, phát huy giá trị, góp phần xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Trường chia sẻ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ và nhân dân TP. Cần Thơ, Trung ương đã thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, với tinh thần khẩn trương, tâm huyết, chu đáo, khoa học, công trình đã hoàn thành. Công trình như một biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng theo tâm nguyện của đông đảo nhân dân TP. Cần Thơ nói riêng, nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ tiếp tục kế thừa phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; quyết tâm vượt qua mọi thử thách, nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội, đưa TP. Cần Thơ sớm trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch nước mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình Đền thờ Vua Hùng một cách hiệu quả, thiết thực; là điểm nhấn, kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch của vùng và phục vụ du khách tham quan, tưởng niệm, góp phần thúc đẩy ngành du lịch ngày càng phát triển, từng bước xứng tầm là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khởi công vào giữa năm 2019, Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ nằm trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, tại khu Hành chính tập trung và Trung tâm Thể dục Thể thao quận Bình Thủy, thuộc Khu vực 7, Phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Công trình có tổng diện tích 39.033,7 m2, với tổng mức đầu tư 129,5 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest tài trợ.

Các hạng mục chính của Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ gồm: Đền thờ chính xây dựng 1 trệt 1 lầu, diện tích xây dựng 6.361 m2, diện tích sử dụng đất 2.970 m2; nhà điều hành có diện tích xây dựng 536,36 m2; nhà dịch vụ có diện tích xây dựng 536,36 m2; nhà bia diện tích xây dựng 96,70 m2; nghi môn có chiều cao công trình 9 m…

Điểm nhấn của công trình là Đền thờ chính với hình tượng Trống Đồng cách điệu thời đại Hùng Vương. Tính biểu tượng, truyền thống của công trình được thể hiện các chủ đề trang trí lấy từ hoa văn trên trống đồng. Đền chính được bao bọc bởi hồ nước tròn trên nền đế vuông, tượng trưng “Trời tròn Đất vuông”, 18 cánh cung bao quanh tượng trưng 18 đời Vua Hùng. Bên trong hồ nước có 54 trụ đá, tượng trưng 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện sự kết hợp văn hóa sông nước Nam bộ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư