Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Chủ tịch Quốc hội đề xuất 5 vấn đề APPF cần tiếp tục quan tâm
(Vietnam+) - 15/01/2019 18:25
 
Sáng 15/1, Hội nghị thường niên lần thứ 27 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-27) đã khai mạc trọng thể tại Siem Reap (Campuchia). Chủ đề của APPF-27 là “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”.
Chủ trì lễ khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch APPF-27; Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Samdech Vibol Sena Pheakdei Say Chhum; Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai mạc (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai mạc (Ảnh: TTXVN)

Bắt đầu phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe Thông điệp Hoàng gia của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni gửi đến Hội nghị, trong đó đánh giá cao các hoạt động của APPF thời gian qua, bày tỏ tin tưởng rằng, những sáng kiến của APPF sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và phổ biến rộng khắp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thông điệp nhấn mạnh: “Đây là diễn đàn rất quan trọng để thảo luận những vấn đề quốc tế nổi bật và những giải pháp của thế kỷ 21 về chủ đề tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”.

Chủ tịch danh dự của APPF Yasuhiro Nakasone gửi tới Hội nghị APPF-27 thông điệp: “Với tư cách là một trong những người sáng lập APPF, tôi ấn tượng bởi sự tiến bộ không ngừng của diễn đàn này. Một ví dụ nổi bật trong những năm gần đây là Hội nghị nữ nghị sĩ APPF đã trở thành cơ chế chính thức và định kỳ tại các kỳ họp thường niên của Diễn đàn. Sáng kiến này được duy trì bởi các nước chủ nhà trước đó, bao gồm Canada, Fiji và Việt Nam.

Tôi mong muốn mạnh mẽ rằng các nghị sĩ tham dự cuộc họp thường niên năm nay mạnh dạn thực hiện những thách thức để đạt được sự phát triển hơn nữa của APPF mà không bằng lòng với những gì chúng ta đã đạt được”.

Những mục tiêu phát triển bền vững phải được trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2018, APPF-26 được tổ chức tại Việt Nam với Tuyên bố Hà Nội đánh dấu chặng đường 25 năm phát triển của APPF, mở ra một tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương tới năm 2030. APPF đã thành công trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa APPF với APEC nhằm hiện thực hóa nguyện vọng của người dân châu Á - Thái Bình Dương về một khu vực hòa bình và phát triển, phản ánh một xu thế của nền ngoại giao nghị viện trong giai đoạn phát triển mới của nhân loại.

Tại APPF lần thứ 26, một trong những điểm nhấn là việc đầu tiên Hội nghị nữ nghị sĩ APPF đã trở thành cơ chế chính thức và định kỳ tại các kỳ họp thường niên của Diễn đàn với kỳ vọng đây sẽ là một cơ chế hữu hiệu, giải quyết những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, bảo vệ lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực và trên thế giới.

Hội nghị APPF-27 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến mới nhanh chóng và phức tạp, đặt ra các thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định, hòa bình, an ninh trong toàn khu vực, cũng như sự phát triển bền vững của các quốc gia và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân.

Quốc hội Việt Nam đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này, phù hợp với định hướng quan hệ đối tác nghị viện, yêu cầu và xu thế phát triển của toàn cầu nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tích cực triển khai các nghị quyết của APPF-26 trên các lĩnh vực liên quan, trong đó có Nghị quyết về thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 27 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 27 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: TTXVN)

Để APPF tiếp tục là Diễn đàn hoạt động hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nghị viện thành viên tiếp tục quan tâm 5 vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, tiếp tục hợp tác toàn diện, chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và phát triển bền vững. Trong tiến trình này, cần có một lộ trình phù hợp, dựa trên tinh thần đồng thuận, đoàn kết với phương châm với phương châm “không bỏ ai lại phía sau” và “biến lời nói thành hành động”.

Thứ hai, cam kết hợp tác bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau, đối thoại và cùng có lợi, giải quyết các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc.

Thứ ba, mở rộng trao đổi hợp tác giữa các nghị viện trong khu vực, phát huy tối đa vai trò trong việc giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại mỗi quốc gia.

Thứ tư, APPF tiếp tục đổi mới tổ chức, quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sự phối hợp và quan hệ giữa kênh lập pháp và hành pháp của mỗi nước trong khu vực.

Thứ năm, cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc tế, xây dựng cơ chế giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết được thông qua tại mỗi kỳ APPF để nâng cao tính hiệu quả trong các hoạt động của Diễn đàn.

Hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững không thể tách rời nhau

Tại phiên khai mạc, chia sẻ niềm vinh dự khi trở thành nước chủ nhà APPF-27, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen cho rằng, APPF lần này có ý nghĩa quan trọng để các nghị viện thành viên cùng hợp lực với nhau để thúc đẩy hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là những vấn đề về an ninh, phát triển bền vững.

Thủ tướng Campuchia cũng đã chia sẻ những giai đoạn lịch sử khó khăn, trong đó có thời kỳ đấu tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot, từ đó Thủ tướng nêu bật ý nghĩa của hòa bình và ổn định trong xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia.

Nhân dịp này, thay mặt đất nước Campuchia, Thủ tướng Hun Sen trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia và cá nhân Thủ tướng. Việt Nam đã “cứu dân tộc của chúng tôi, giúp đất nước chúng tôi khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như công cuộc phát triển đất nước”.

Thủ tướng Hun Sen cho rằng cần đồng lòng trong giải quyết các xung đột giữa các quốc gia dựa trên các nguyên tắc của LHQ, nguyên tắc của ASEAN trong đó có thách thức phi truyền thống như là đói nghèo, biến đổi khí hậu; cần tôn trọng quyền của người dân, thông qua và thực hiện tốt công ước của LHQ liên quan, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác.

Cần kiên quyết phản đối những hành động phi pháp, hành động trái với nguyên tắc của LHQ; cần tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như những nguyên tắc và phải giải quyết hòa bình những xung đột; cần chuẩn bị tốt để đối phó với chủ nghĩa khủng bố, vấn đề di dân, thách thức liên quan dịch bệnh trong khu vực, trên toàn cầu…; thông qua giao lưu văn hóa tăng cường tình hữu nghị giữa các quốc gia. Theo Thủ tướng Hun Sen, làm được điều này thì nền hòa bình sẽ được duy trì một cách ổn định.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Samdech Vibol Sena Pheakdei Say Chhum đánh giá, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đóng vai trò là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu bằng, đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (xấp xỉ 60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu) trong khi trải qua một tiến trình nhanh chóng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ thông tin, truyền thông với số lượng và chất lượng chưa từng có.

Chủ tịch Thượng viện cũng nhấn mạnh đến vấn đề di cư quốc tế, nghèo đói, các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa cho hòa bình, an ninh và phát triển bền vững trong khu vực và toàn thế giới. Từ đó nêu rõ, hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững không thể tách rời nhau.

Các nghị viện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương để trao đổi thông tin về luật pháp, chính sách quốc gia, về sự phát triển trong khu vực và toàn cầu; thúc đẩy rộng rãi thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân để tăng cường và mở rộng quan hệ hài hòa trong tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các cấp.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin, Chủ tịch APPF-27 bày tỏ hài lòng về sự tiến bộ cũng như những thành tựu mà APPF đã đạt được. APPF có nhiệm vụ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân khu vực châu Á -  Thái Bình Dương.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia bày tỏ lạc quan APPF-27 sẽ là cơ hội để các thành viên củng cố hợp tác khu vực vì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; bảo vệ hòa bình, an ninh, phát triển bền vững bằng cách thông qua những nghị quyết để đối phó với những mối quan tâm chung của các quốc gia thành viên. Đây cũng là dịp kết nối các ý tưởng cũng như hiện thực hóa các tầm nhìn xa để củng cố hợp tác.

[Infographic] APPF: Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương
Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) ngày càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của diễn đàn mở thúc đẩy sự gắn bó hợp tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư