Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội "lo" sản phẩm lập pháp đầu tay của Quốc hội khoá XV
Nguyễn Lê - 17/08/2021 09:27
 
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay từ những sản phẩm lập pháp đầu tiên của nhiệm kỳ mới phải khắc phục được tình trạng luật ống, luật khung.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Sáng 17/8 Uỷ  ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ hai. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành khá nhiều thời gian để nói về nội dung đầu tiên của phiên họp này: Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).

Ông nhấn mạnh, dự án luật này cùng 6 dự án khác sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vào cuối năm nay là sản phẩm đầu tiên của công tác lập pháp nhiệm kỳ này. Đây cũng là bước thực hiện lời hứa, thực hiện từ khoá trong chương trình hành động của đại biểu là tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác lập pháp.

Nâng cao chất lượng phải gắn với siết chặt kỷ luật kỷ cương của công tác lập pháp nhất là trách nhiệm người đứng đầu liên quan đến trình và thẩm tra các dự án luật, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Từ yêu cầu này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay từ những sản phẩm lập pháp đầu tiên của nhiệm kỳ mới phải khắc phục được tình trạng luật ống luật khung, có thể quy định chi tiết nhưng cứ quy định nguyên tắc chung chung. Nhưng mặt khác cũng phải khắc phục việc quy định "cứng", quy định quá chi tiết những vấn đề chưa rõ nên luật chưa sửa xong đã bộc lộ bất cập, tuổi thọ ngắn và tính khả thi thấp. Đồng thời, phải khắc phục chồng chéo, trùng lặp giữa các quy đinh của pháp luật.

Với Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải cụ thể hoá chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII và chỉ thị của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng.

Lần sửa đổi này phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong phong trào thi đua yêu nước, trong đó đề cao vai trò của người đứng đầu, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên canh đó, ông Huệ cũng yêu cầu lần sửa đổi này cần xử lý được mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, quan hệ giữa khen thưởng theo niên hạn và theo thành tích, khắc phục tình trạng khen thưởng gối đầu, khắc phục bằng được tính hình thức, đảm bảo công khai minh bạch.

Thực tế vừa qua kể cả trong thi đua khen thưởng cũng chạy, chạy danh hiệu, chạy bằng khen giấy khen, chạy danh hiệu anh hùng, có trường hợp vừa trao xong danh hiệu đã phải xử lý, Chủ tịch Quốc hội nói.

Yêu cầu tiếp theo từ lãnh đạo Quốc hội là luật sửa đổi cần bao quát cả khu vực công và khu vực tư, nhất là khen thưởng với doanh nhân.  

Hôm trước cho ý kiến về luật này, có đại biểu hiệp hội doanh nghiệp nêu, có ý kiến là muốn có danh hiệu thi đua thì đóng tiền sẽ có, lần sửa đổi này điều chỉnh thế nào vấn đề này?. Sửa luật là cơ hội để tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực thi đua khen thưởng thì cần áp dụng nghiêm ngặt trình tự, tránh việc Bộ trưởng giao cho Thứ trưởng, Thứ trưởng lại giao cho vụ trưởng, vụ trưởng lại giao cho chuyên viên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Khẳng định tình trạng trên là có, ông Huệ thêm một lần nhấn mạnh Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) là sản phẩm đầu tay của Quốc hội khoá XV. "Đầu xuôi đuôi lọt, thi đua khen thưởng liên quan đến con người, rất khó, hồ sơ dự án dày, đẹp nhưng cái gì ở trong này mới quan trọng", Chủ tịch Quốc hội "lo" chất lượng sản phẩm đầu tay.

Bên cạnh nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một số điểm mới tại phiên họp này.

Đó là, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 7/2021).

Đây là lần đầu tiên nội dung này được xem xét tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là một bước để thực hiện giám sát tối cao nội dung trên. Từ phiên họp này trở đi công tác này sẽ được Thường vụ xem xét hàng tháng mà không chờ đến kỳ họp mới xem xét như thông lệ, như thế mới nâng cao chất lượng công tác dân nguyện được, ông Huệ nói.

Trong phiên họp này, dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng được đặt lên bàn nghị sự.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Dự thảo quy chế đã soạn xong, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức làm cơ sở để thực hiện nhất quán theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Vừa rồi đại biểu đăng ký vào Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội rất đông, đều hơn 40 thành viên, nhưng đại biểu kiêm nhiệm động thế nào, phải ràng buộc trách nhiệm, tránh tình trạng đăng ký thì nhiều tham gia thì ít thì không thể biểu quyết theo đa số được, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề và nhấn mạnh ban hành Quy chế làm việc mẫu là việc các nhiệm kỳ trước chưa bao giờ có.

[Special] Thủ tướng phát động phong trào thi đua đặc biệt "Đoàn kết chiến thắng đại dịch COVID-19"
Báo Đầu tư trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư