Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
"Chủ tịch tỉnh phải biết được doanh nghiệp đang cần gì, đang khó gì"
Khánh An - 28/04/2022 10:57
 
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh không chỉ đo đếm bằng số văn bản ban hành ra mà phải đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
/
Vĩnh Phúc là địa phương đứng thứ 5 trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI 2021

Vĩnh Phúc trở lại Top 5 Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 trong một kỳ khảo sát khá đặc biệt, đó là các doanh nghiệp vất vả ứng phó với dịch bệnh, với các chính sách phòng chống dịch thay đổi liên tục. Là người đứng đầu, ông nghĩ thế nào về sự kết quả này? Có thể lý giải gì từ góc độ chính quyền địa phương?

Vĩnh Phúc trở lại vị trí Top 5 PCI là sự trở lại khá ngoạn mục. Đó là phần thưởng rất là lớn mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân dành cho chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc.

Đúng là giai đoạn vô cùng khó khăn. Bốn đợt dịch ghé Việt Nam thì cả bốn đều đến Vĩnh Phúc, tác động trực tiếp tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhưng chúng tôi xác định, doanh nghiệp có vị trí cực kỳ quan trọng trong cái chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp không chỉ là người tạo ra những cái giá trị gia tăng, mà còn là nhân tố tạo ra sự phát triển của một cái quốc gia cũng như là một cái địa phương. Chúng tôi hành động vì điều này.

Còn nhớ, năm 2021, khi dịch bệnh tái xuất hiện, Vĩnh Phúc ngay lập tức lập Tổ công tác hỗ trợ Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh...

Khi đó, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ Chủ tịch UBND tỉnh. Tất cả thông tin, những khó khăn, những vướng mắc từ chống dịch, các đứt gãy chuỗi kết nối cho đến thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục nhập cảnh đối với người nước ngoài, thủ tục thuế... đều thông qua Tổ đến trực tiếp Chủ tịch. Việc xử lý cũng từ Chủ tịch đến các sở, ngành với nguyên tắc thực hiện ngay, chứ không lệ thuộc vào thủ tục hành chính như thông thường.

Chủ tịch tỉnh phải biết được ngay doanh nghiệp đang cần gì, đang khó gì. Một cái xe đi qua cái chốt kiểm dịch gặp khó có thể bằng một cú điện thoại giải quyết được vấn đề, chứ nếu đúng quy trình, kỳ văn bản báo cáo các cấp thì ba ngày sau cũng không qua được chốt.

Tất nhiên, phải xác định rõ, mô hình Tổ có ý nghĩa lịch sử, vào thời điểm đặc biệt đó, nhưng nguyên tắc hoạt động của Tổ sẽ là bài học kinh nghiệm cho các hoạt động sau này. Vì quan trọng nhất là thông tin của doanh nghiệp đến được các cơ quan chính quyền rất nhanh chóng và việc xử lý cũng theo nguyên tắc đó, thực chất và nhanh chóng.

Bởi vì, đôi khi cán bộ, công chức nhà nước nghĩ rằng, họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ là xong, nhưng để phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân thì không thể chỉ hoàn thành, mà phải tìm hiểu tận gốc vấn đề, thực hiện trên cơ sở hiểu rõ, từ đó mới thực sự tạo ra được sự thông thoáng, thuận lợi.  

Quan điểm của chúng tôi là cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh không chỉ đo đếm bằng số văn bản, số nghị quyết, số chỉ thị chúng ta ban hành ra mà phải đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Điều tôi muốn chia sẻ vào lúc này, đó là thứ hạng chỉ là phần thưởng và chất lượng điều hành, chất lượng phục vụ doanh nghiệp mới là thực chất. Nhưng đây mới là điểm khởi đầu của sự trở lại.

Nên năm 2022 sẽ tiếp tục là năm vất vả của bộ máy chính quyền, sẽ phải nghiên cứu kỹ từng chỉ số mà doanh nghiệp đánh giá, để cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh.

Cụ thể, Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào những chỉ số nào trong PCI trong năm nay?

Đầu tiên là chỉ số về minh bạch.

Là cấp chính quyền địa phương, chúng tôi không có quyền thay đổi thể chế, nhưng chúng tôi minh bạch thể chế, hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thực thi. Đó là sự đồng hành rất quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất.

Thứ hai là chỉ số sự năng động của chính quyền. Tôi cho rằng, chính quyền hiểu doanh nghiệp, chính quyền quan tâm đến doanh nghiệp và chính quyền thật sự vào cuộc cùng với doanh nghiệp sẽ tạo ra sức mạnh.

Việc này không dễ, vì như tôi đã chia sẻ, để làm được thì phải thay đổi tư duy và phương pháp, cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức.

.
Chủ tịch UBDN tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành 

Trong phân tích về các chỉ số PCI, chuyên gia khảo sát đã nhắc đến một ý là trong lịch làm việc của lãnh đạo nhiều địa phương có tên các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng thiếu đi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lịch làm việc của ông thì sao?

Năm nay, Vĩnh Phúc kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh. Chúng tôi vẫn xác định,  thu hút đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương.

Nhưng chúng tôi cũng xác định, mỗi khu vực doanh nghiệp đều có vị trí quan trọng trong sự phát triển này.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có cái vị thế nhất định, có thể nói là hòn đá tảng thúc đẩy phát triển khi doanh nghiệp trong nước còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực quản trị.

Các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp của chúng ta, của người dân là những doanh nghiệp sẽ tạo ra sự bền vững. Chúng tôi có một Nghị quyết riêng về cải thiện cái môi trường đầu tư và thúc đẩy hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến khu vực doanh nghiệp này.

PCI 2021: Quảng Ninh số 1; Hải Phòng số 2; vượt TP.HCM, Hà Nội lọt Top 10
Công bố sáng nay, Top 10 PCI 2021 tôn vinh các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư