Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 08 năm 2024,
Chủ tịch TP.HCM: Đi từng dự án cụ thể để gỡ vướng, không nói chung chung
Trọng Tín - 01/08/2024 18:46
 
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị phải xác định từ đây đến cuối năm có bao nhiêu dự án với bao nhiêu tiền chảy vào nền kinh tế để gỡ vướng, không nói chung chung.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 7/2024 về tình hình kinh tế - xã hội, diễn ra chiều 1/8.

Tại cuộc họp, khi đề cập đến nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông đề nghị Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường và Sở Xây dựng phải tập trung tháo gỡ.

Ông Mãi cho biết trong 6 tháng đầu năm, ban đầu chỉ có 1 - 2 dự án được tháo gỡ, đến giờ này đã gỡ được 5 dự án. Và làm sao 6 tháng cuối năm tháo gỡ nhiều hơn để các dự án này tiếp tục xây dựng, tiếp tục triển khai để dòng vốn chảy ngay trong năm nay.

Chủ tịch UBND TP.HCM nói kinh nghiệm để điều hành là phải đi vào từng dự án cụ thể, vướng mắc cụ thể, tháo gỡ cụ thể. Ảnh: TTBC

Với các dự án nhà ở xã hội, trong số 47 dự án nhà ở xã hội đang gặp vướng thì những dự án nào có thể tập trung thì Sở Xây dựng có trao đổi trở lại để có đề xuất.

“Các đồng chí phải xác định là từ đây đến cuối năm có bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền từ các dự án này chảy vào nền kinh tế để đóng góp cho tăng trưởng thì đề nghị phải xét đến mức như vậy chứ không nói chung chung”, ông nói.

Đối với nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, năm 2024, UBND TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công là 79.263 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Thành phố, đến ngày 26/7, Thành phố mới chỉ giải ngân hơn 11.800 tỷ đồng, đạt 15% số vốn được giao.

Theo ông Mãi, Thành phố đã có rất nhiều cuộc họp, ban hành rất nhiều văn bản. Nhiệm vụ này cũng đang được theo dõi hằng ngày và có thống kê chỉ đạo hằng tuần.

“Vừa rồi, có hai dự án có nguy cơ chậm tiến độ, vượt sang năm sau là dự án dự án Rạch Xuyên Tâm và dự án Bờ Bắc Kênh Đôi, tôi đã đăng ký phụ trách. Đến nay, hai dự án này về cơ bản đảm bảo tiến độ, nếu tập trung thì trong năm nay có thể giải ngân được. Hai dự án này khi áp dụng Luật Đất đai 2024 thì chi phí giải phóng mặt bằng lên tới trên 10.000 tỷ đồng”, ông Mãi lấy ví dụ.

Do vậy, một lần nữa ông nhấn mạnh kinh nghiệm để điều hành là phải đi vào từng dự án cụ thể, vướng mắc cụ thể, tháo gỡ cụ thể với tiến độ là quyết tâm trong năm nay, không thể nói chung chung được.

Trong thời gian 6 tháng còn lại, nhiệm vụ của Thành phố là mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỷ đồng. Ông Mãi cho biết dù điểm rơi của các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và dự án mới thường vào quý IV/2024 nhưng nếu không theo dõi sát sao sẽ khó đạt tỷ lệ giải ngân 95%.

Vì vậy, ông Mãi đề nghị các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân và có cam kết số lượng giải ngân hằng tháng. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, đề xuất chỉ đạo kịp thời. Thường trực UBND TP.HCM trực tiếp đi công trường, có vướng mắc là tháo gỡ ngay và duy trì mục tiêu năm nay.

Bảng giá đất mới của TP.HCM vẫn đang thấp hơn giá thị trường
Do từ ngày 1/8 không còn áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), nên TP.HCM buộc phải điều chỉnh lại bảng giá đất để áp dụng, và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư