Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Trương Gia Bình: Không thể áp dụng nguyên tắc bình thường trong thời dịch
Khánh An - 02/04/2020 16:02
 
Hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) với hơn 200 hội viên tham gia trong sáng nay, 2/4 cũng là một ứng xử không theo nguyên tắc bình thường. Đây là hội nghị trực tuyến đầu tiên VIDA thực hiện để bàn chương trình hành động và giải pháp trong đại dịch.
.
Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) được thành lập từ tháng 9/2019

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đồng thời là Chủ tịch VIDA.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải sống và chiến đấu. Tôi nghĩ rằng, dịch bệnh Covid 19 không đơn giản và có thể không kết thúc nhanh chóng. Đây có thể là khủng hoảng mà nhân loại chưa từng gặp phải”, ông Bình đã mở đầu Hội nghị trực tuyến của VIDA như vậy.

Cho tới thời điểm này, các doanh nghiệp hội viên của VIDA đã bắt đầu cảm nhận rõ thiệt hại kinh tế do tác động của dịch bệnh.

Khảo sát nhanh của VIDA với 50 doanh nghiệp hội viên đã cho thấy, tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I năm 2020 trung bình giảm 30-50%, cá biệt một số doanh nghiệp giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch.

Áp lực về tài chính, lãi vay đang là gánh nặng lớn nhất với doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn phải duy trì các chi phí cố định, nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Lượng hàng tồn lớn dẫn tới tăng chi phí lưu kho bãi, chi phí bảo quản.

Trong khi đó, việc tiếp cận với các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đang triển khai không thuận lợi do thiếu các hướng dẫn cụ thể. Thậm chí, ngay cả doanh nghiệp đang còn tăng trưởng cũng không dễ tiếp cận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods, doanh nghiệp đang có  mức tăng doanh thu tới 40% trong quý I/2020 so với cùng kỳ 2019 cho biết, các ngân hàng đang có tâm lý cẩn thận, lo ngại doanh nghiệp không trả nợ được nên thẩm định khắt khe hơn, không dám cho vay.

“Chúng tôi đã lên làm thủ tục xin gia hạn khoản vay đến hạng vào tháng 3, nhưng họ cũng trả lời là từ từ, khuyên không nên vì bị đưa vào hồ sơ, doanh nghiệp sẽ gặp khó sau này”, ông Hùng chia sẻ.

Tương tự, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Hồ Gươm đang lo ngại về các thủ tục để được giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội. “Tại sao không công bố điều kiện, rồi doanh nghiệp tự động thực hiện, việc kiểm tra sẽ thực hiện sau thay vì phải làm trước. Nếu thủ tục  phức tạp quá thì doanh nghiệp cũng không muốn làm”, bà Ty nói.

Đặc biệt, một số sáng kiến của doanh nghiệp, như lắp đặt buồng khử khuẩn trong doanh nghiệp, cũng đang gặp khá nhiều lấn cấn.

“Chúng tôi đang áp dụng buồng khử khuẩn, sử dụng sản phẩm Actide của Đức – dung dịch để khử khuẩn rau ăn sống, để lắp đặt ở cổng nhà máy. Toàn bộ người lao động và phương tiện khi vào nhá máy phải đi qua buồng này, thay vì phân công bộ phận xịt khuẩn cho từng người. Cách này vừa giảm thời gian hàng trăm người lao động phải dừng lại khi qua cổng. Nhưng nhiều người đang lo ngại buồng này đã được cấp phép chưa, nhất là khi báo chí đưa tin Bộ Y tế khyến nghị không dùng buồng khử khuẩn.”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico (Bắc Giang) phản ánh thực tế.

Cách đây vài tuần, sau khi nhiều doanh nghiệp giới thiệu mô hình buồng khử khuẩn, Bộ Y tế đã có khuyến nghị trên báo chí về việc không nên dùng. Nguyên nhân là có công ty gửi đề xuất lên, nhưng chưa được hội đồng hội đồng khoa học cấp bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng.

Theo quan điểm của bà Thực cho rằng, đây là cách sáng tạo theo nguyên tắc phòng dịch “4 tại chỗ” để đảm bảo tăng cường vệ sinh cho người lao động, trong nhà máy, sử dụng các chất không cấm, cần được ủng hộ.

“Nếu cần có đánh giá, Bộ Y tế có thể phân quyền cho các sở y tế địa phương để làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có sáng kiến này, để có quyết định ngay, chứ không thể đưa thông tin trên báo chí theo cách gây hoang mang như vậy”, bà Thực nói.

Đây cũng là lý do khiến một số nơi đã lắp đặt buồng khử trùng không dám sử dụng, sợ bị phạt.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Gia Bình cho rằng, nếu áp dụng các nguyên tắc như trong thời bình thường, sẽ rất khó thắng trong cuộc chiến chống Covid 19, đứng cả ở góc độ kinh tế và xã hội.

“Lúc này cần ứng xử khác với thời bình thường, không chỉ doanh nghiệp mà cả các cơ quan nhà nước. Chúng tôi đề nghị các thủ tục, các quyết định phải theo tình thần... thời chiến. Đó là phân quyền nhiều hơn cho cấp cơ sở, không hồi tố, nếu không sẽ không ai dám sáng tạo, dám làm khác để vượt qua giai đoạn này”, ông Bình nói.

Được biết, VIDA sẽ tập hợp các ý kiến hội viên để tiếp tục có đề xuất tới Chính phủ liên quan đến các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp đang được coi là có nhiều cơ hội bứt phá ngay trong mùa dịch.

"Chúng tôi sẽ sớm có cuộc làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Nguyễn Xuân Cường để có những đề xuất cụ thể. Bộ trưởng đã đồng ý cách làm việc này. Riêng về vốn cho doanh nghiệp, chúng tôi sẽ làm việc với các ngân hàng để có giải pháp trực tiếp cho các doanh nghiệp nông nghiệp ", ông Bình trả lời báo chí sau Hội nghị trực tuyến lấn thứ nhất của VIDA. 

Quý I/2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,06 tỷ USD
Dù ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản trong quý I/2020 vẫn duy trì mức độ tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư