Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch UBND TP.HCM: Số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn tăng trong những ngày tới
Việt Dũng - 02/07/2021 17:40
 
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, đợt dịch lần này nguy hiểm và khó dự đoán hơn các lần trước. Số ca nhiễm có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới.

Tình hình dịch bệnh vẫn khó lường

Ngày 2/7, phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn. Đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền và người dân TP.HCM cùng với việc thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp. 

Phấn đấu, quyết tâm đến cuối tháng 7/2021, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8/2021 có thể khống chế dịch bệnh. Trong đó, rà soát lại các Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của tất cả các lĩnh vực, khu vực, địa điểm để cập nhập và triển khai hiệu quả trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: TTBC TP.HCM)
Phó thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo cuộc họp. (Ảnh: TTBC TP.HCM)


Các quận, huyện chủ động căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn quản lý để điều chỉnh phương án giãn cách xã hội phù hợp. Có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 của UBND Thành phố hoặc đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nếu thấy thực sự cần thiết. 

Phát huy trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các quận, huyện, Tổ Covid-19 cộng đồng qua việc triển khai kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch của Thành phố.

Công tác xét nghiệm tầm soát và tiêm vắc xin diện rộng cần tổ chức chặt chẽ, cụ thể, tránh để tràn lan, tự phát, tập trung đông người. Tổ chức điều chỉnh, phân phối hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng. Phạm vi không chỉ trong TPHCM mà lan rộng ra các địa phương lân cận. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng test nhanh…  Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác truy vết và lấy xét nghiệm bị phân tán nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Tại một số khu cách ly, khu phong tỏa cũng còn một số hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh.

Trên cơ sở thực tế đó, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương sử dụng test nhanh hợp lý để đảm bảo truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa sớm. Hiện nay con số sử dụng test nhanh còn rất hạn chế (sử dụng khoảng 128.000 trong tổng số 222.000 test nhanh). 

Về công tác xét nghiệm cần tuân thủ giãn cách theo Chỉ thị số 10 của UBND TP, chia ca hợp lý, tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến phòng chống dịch; cần thiết có thể triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngay tại các ngõ dân cư.

Tại các khu cách ly, khu vực phong tỏa nên có đội ngũ dự bị để sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm khi cần, đảm bảo trả kết quả đúng hẹn. Những đơn vị truy vết chỉ tập trung vào công tác truy vết để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp dịch lan rộng, lan nhanh trên diện rộng.

Bên cạnh sử dụng hệ thống giám sát cộng đồng bằng xét nghiệm PCR mẫu gộp 10, 15 với sự hỗ trợ của Vingroup, địa phương cũng cần tăng cường lực lượng y tế để đảm bảo test nhanh có hiệu quả và truy vết kịp thời.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, sáng nay 400.000 liều vắc xin đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Y tế dự kiến ưu tiên phân bổ số lượng lớn cho TP.HCM. Việc triển khai tiêm vắc xin diện rộng cần có kế hoạch cụ thể, an toàn cho người dân.

Khả năng số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đợt dịch lần thứ 4 này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước. Có thời điểm Thành phố ghi nhận trên 500 ca nhiễm/ngày.

Theo ông Phong, từ ngày 19/6 đến 30/6 (thời điểm áp dụng chỉ thị 10), số ca nhiễm tầm soát, phát hiện trong cộng đồng bình quân 65 ca/ngày, số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày.

Việc này cho thấy các biện pháp đang triển khai từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng, đồng thời phản ánh được sự phức tạp của diễn biến dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM  nhận định số ca nhiễm có thể sẽ vẫn tăng trong thời gian tới
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định số ca nhiễm có thể sẽ vẫn tăng trong thời gian tới


Ông Phong nhận định tỷ lệ lây nhiễm thứ phát và tốc độ lây lan của biến thể virus Delta mạnh mẽ và số ca nhiễm có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới.

Từ đó ông yêu cầu các sở ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức phân các nhóm nguy cơ thành: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ đến từng phường xã, khu phố để tăng cường lực lượng đến các điểm nóng, nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Thực hiện giãn cách triệt để trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều phối để người dân đến lấy mẫu trong những khung giờ nhất định và sẵn sàng phương án trong tình huống có F0. Chủ tịch UBND các quận huyện đẩy nhanh việc sử dụng test nhanh để phục vụ hiệu quả cho phòng chống dịch, truy vết nhanh. 

Ông Phong cũng chỉ đạo rà soát, tổ chức lại các khu cách ly theo đúng quy định về tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế. Các địa phương không tổ chức cách ly tại các trường học.

Mỗi khu cách ly phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, có camera giám sát... Khuyến khích sử dụng các nhà khách, khách sạn, nhà tái định cư chưa sử dụng trên địa bàn làm địa điểm cách ly. Đồng thời nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly tại nhà, nơi cư trú.

Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế thẩm định 22 doanh nghiệp đăng ký vừa sản xuất vừa cách ly, hoàn thành trước ngày 5/7. Vận động doanh nghiệp thực hiện vừa sản xuất vừa cách ly.

Theo ông Phong, thành phố cũng đã có phương án mở rộng và xây dựng thêm các khu cách ly trên địa bàn. Hiện nay, số lượng bệnh nhân Covid-19 điều trị tăng rất nhanh, thành phố đã chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị. Đồng thời, cũng nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp để triển khai phương án này và có thể mở rộng thêm về quy mô giường bệnh.

Với tinh thần khẩn trương, thay đổi để phù hợp trong tình hình mới, đề nghị TP. Thủ Đức và các quận - huyện tập trung, chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Thành phố. 

 

Tăng ca bệnh nặng, TP.HCM yêu cầu các bệnh viện theo dõi sát bệnh nhân Covid-19
Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 trước việc một số trường hợp người bệnh Covid-19 tiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư