Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tăng ca bệnh nặng, TP.HCM yêu cầu các bệnh viện theo dõi sát bệnh nhân Covid-19
D.Ngân - 02/07/2021 07:45
 
Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 trước việc một số trường hợp người bệnh Covid-19 tiến triển nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Tính từ 18 giờ ngày 1/7 đến 6 giờ ngày 2/7, TP.HCM ghi nhận thêm 118 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 2/7 (BN17606-BN17723). TP đã ghi nhận hơn 4.400 trường hợp mắc Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 trong nước đã vượt qua hơn 14.000 người.

Trong 118 trường hợp nhiễm mới được công bố sáng nay có 94 ca là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 24 ca đang điều tra dịch tễ. TP đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.

Liên quan tới điều trị ca bệnh, Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị các đơn vị theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 trước việc một số trường hợp người bệnh Covid-19 tiến triển rất nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Khi bệnh nhân có dấu hiệu hô hấp bất thường, dựa vào triệu chứng lâm sàng và nồng độ oxy trong máu, đơn vị điều trị lập tức chuyển viện và sơ cứu trên đường chuyển.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19 (trực thuộc Sở Y tế TP.HCM) chủ động liên hệ chuyên gia hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để hội chẩn ca mắc Covid-19 diễn tiến nặng.

Trường hợp có bệnh lý nền kèm theo hoặc cần can thiệp chuyên khoa, các đơn vị liên hệ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố; chủ động tham gia và trình bệnh án với nhóm chuyên gia điều trị Covid-19 các trường hợp diễn biến nặng.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được giao nhiệm vụ kết nối các bệnh viện được phân công tiếp nhận, điều trị Covid-19 tham gia vào nhóm chuyên gia điều trị của TP, nhằm trao đổi chuyên môn và thống nhất hướng xử trí đối với các trường hợp nặng.

Nhằm tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện đặc biệt chú ý thực hiện nghiêm hướng dẫn về điều trị và dự phòng rối loạn đông máu; cần tiến hành xét nghiệm D-Dimer, Fibrinogen..., và dựa vào lâm sàng để phân tầng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch và điều trị theo hướng dẫn.

Ngoài TP.HCM, Bình Dương cũng đang có số ca mắc mới cao trong những ngày gần đây. Các chuyên gia cho rằng những yếu tố nguy cơ ở tỉnh này tương tự TP.HCM. Điều khác biệt là tập trung nhiều ở khu công nghiệp và nhà trọ liên quan. Tuy nhiên, những ca bệnh còn khu trú ở các dây chuyền sản xuất, phân xưởng.

Bình Dương đang thực hiện Chỉ thị 16, đóng cửa nhà máy khi có ca bệnh, cách ly tập trung công nhân cùng nhà máy sản xuất, xét nghiệm trên diện rộng khu nguy cơ.

Theo bản tin sáng 2/7 của Bộ Y tế đã ghi nhận thêm 147 ca Covid-19 tại các ổ dịch, gồm TP.HCM (118), Phú Yên (10), Đồng Nai (5), An Giang (4), Long An (3), Nghệ An (2), Đồng Tháp (2), Hà Tĩnh (1), Khánh Hòa (1), Bình Phước (1).

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 15.905 ca ghi nhận trong nước và 1.822 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 14.335, trong đó, 4.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.

Từ ngày 27/4 đến nay, làn sóng dịch thứ 4 đã lan ra 50 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP.HCM đang là điểm nóng khi vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới và chưa có dấu hiệu được kiểm soát. 

Đề xuất tạm dừng chuyến bay từ TP.HCM đến Vinh từ ngày 2/7
Toàn bộ chuyến bay chở khách TP. HCM - Vinh và ngược lại sẽ bị tạm dừng khai thác kể từ từ 00 giờ 00 ngày 2/7/2021 (theo giờ Hà Nội) đến khi có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư