Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh: Công nghệ số phải gần gũi, hữu ích với từng người dân
Tú Ân - 16/08/2019 17:05
 
Chia sẻ trong phiên thảo luận về việc phát triển các kỹ năng số (Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF diễn ra tại Hà Nội hôm nay, 16/8), ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG dẫn 2 câu chuyện về cách thức biến công nghệ trở nên gần gũi và hữu ích hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Câu chuyện đầu tiên là cách thức mà mỗi người sử dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày, biến công nghệ số trở nên gần gũi, hữu ích với từng người dân. Ông Minh cho biết, VNG có nền tảng nhắn tin Zalo, 18 tháng trước, VNG bắt đầu làm việc với các cơ quan quản lý, các địa phương để giới thiệu về chính quyền điện tử trên nền tảng Zalo.

"Chúng tôi đã thuyết phục các cơ quan quản lý rằng đây sẽ là cách rất hiệu quả để người dân tiếp cận, kết nối với cơ quan quản lýbất cứ khi nào họ cần thông tin, cần kiểm tra xem đơn từ của mình đến đâu… Cho đến nay, hơn 40 tỉnh thành đã sử dụng Chính quyền Điện tử do zalo cung cấp, thậm chí cả những vùng sâu vùng xa ở Việt Nam. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là phương thức tối ưu để làm cho công nghệ trở nên gần gũi hơn với mọi người, kể cả những người không sử dụng công nghệ thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày", ông Minh nói.

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG tại
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG chia sẻ tại WEF.
Câu chuyện thứ 2 mà ông Minh chia sẻ là việc đào tạo một thế hệ nhân lực có đủ kỹ năng để ứng dụng số, chuyển đố số. Trong đó, VNG đặc biệt tập trung vào việc đào tạo kĩ năng cho thực tập sinh.
"Thông qua mối quan hệ với hơn 30 trường Đại học, mỗi năm chúng tôi tuyển dụng khoảng 200-400 thực tập sinh cho chương trình Fresher Program để tham gia vào chương trình đào tạo của VNG. Nhưng rào cản lớn nhất mà chúng tôi gặp phải đó chính là số lượng người đào tạo (trainers), vì chúng tôi tin rằng để có thể đào tạo các thực tập sinh thì chúng tôi cần những người thật sự quan tâm đến họ và họ sẽ là người xây dựng nên nội dung đào tạo cho các ứng viên. Chúng tôi muốn đào tạo thêm nhiều trainers trong VNG hơn nữa. Tôi kì vọng đến năm 2020, VNG sẽ có khoảng 300 trainers có khả năng đào tạo thật sự tốt", ông Minh cho biết.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT khẳng định, FPT sẽ tiên phong dẫn dắt quá trình chuyển đổi số bằng việc sẽ mở các nền tảng giải pháp chuyển đổi số của FPT cho các tổ chức doanh nghiệp giúp giảm 30-50% thời gian triển khai dự án chuyển đổi số của tổ chức/doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là chuyển giao phương pháp luận chuyển đổi số FPT Digital Kaizen để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tạo ra cơ hội việc làm. Đào tạo kỹ năng là quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là tạo ra thị trường việc làm. Và cuối cùng là, cam kết đào tạo 50.000 chuyên gia chuyển đổi số cho Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ đào tạo họ các công nghệ mới như AI, Blockchain…theo cách học truyền thống tại ĐH FPT hay đào tạo online tại đại học trực tuyến FUNiX. Chúng tôi cũng đang xây dựng một trung tâm đào tạo AI tại Quy Nhơn", ông Bình cho biết.

Chuyên gia kinh tế Santitarn Sathirathai đánh giá cao vai trò của các kỹ năng mềm, kể cả đối với lĩnh vực công nghệ. Trong một thế giới phát triển nhanh như hiện nay, các kiến thức sẽ trở nên lỗi thời một cách nhanh chóng, do vậy các kỹ năng mềm cho khả năng thích ứng và sáng tạo là vô cùng quan trọng . Tuy vậy, vị chuyên gia của Sea Group cho rằng, các nước trong khu vực ASEAN nên tích cực đầu tư các kỹ năng STEM cho giới trẻ.

Thương hiệu "kỳ lân công nghệ Việt" VNG được định giá gần 60 triệu USD
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách Top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2019, theo đó giá trị thương hiệu của Công ty Cổ Phần VNG (VNG) được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư