Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán ACB (ACBS) sắp tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng
Thanh Thủy - 23/10/2024 11:05
 
Vốn điều lệ của ACBS sẽ được tăng thêm 3.000 tỷ đồng. Đây đã là lần tăng vốn thứ 3 của công ty chứng khoán này trong khoảng một năm trở lại đây.
.
Chứng khoán ACBS sắp tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng

Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) sắp tiếp tục có thêm đợt tăng vốn điều lệ mới. Theo đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (mã ACB, sàn HoSE) - công ty mẹ của ACBS đã “chốt” tăng vốn của ACBS thêm 3.000 tỷ đồng, lên thành 10.000 tỷ đồng.

Không nằm ngoài làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán trong thời gian gần đây, ACBS là một trong các công ty chứng khoán tích cực gia tăng năng lực tài chính. Trước đó, công ty chứng khoán này đã tăng vốn từ 3.000 tỷ dồng lên 4.000 tỷ đồng vào quý IV/2023; và tiếp tục tăng lên 7.000 tỷ đồng ngay quý I/2024.

Nguồn vốn chủ sở hữu gia tăng đã giúp củng cố nguồn thu các quý vừa qua. Theo báo cáo tài chính quý III/2024, ACBS đạt 661 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng môi giới giảm 21% nhưng đa phần các mảng kinh doanh khác đều ghi nhận tăng trưởng. Lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu hoạt động với 311 tỷ đồng, 4%. Lãi từ cho vay và lãi từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) lần lượt tăng 81% lên hơn 183 tỷ đồng và tăng 67% lên hơn 81 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí hoạt động ở mức 346 tỷ đồng, giảm 6,7%. Lỗ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ ở mức 142 tỷ đồng giảm 36%, bên cạnh chi phí môi giới giảm 10% còn hơn 71 tỷ đồng. Kết quả, ACBS lãi sau thuế gần 217 tỷ đồng, tăng đến 81% và là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt 1.888,6 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 546 tỷ đồng, tăng 68%.

Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng tài sản của ACBS ghi nhận hơn 22.622 tỷ đồng, tăng đến 92% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt gần 7.609 tỷ đồng, tăng 66% so với đầu năm (quý trước đạt 7.500 tỷ đồng). Tiền và tương đương tiền đạt 7.002 tỷ đồng, gấp 14 lần đầu năm. Tài sản tài chính cũng tăng mạnh 93% lên gần 2.547 tỷ đồng. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 5.209 tỷ đồng.

Hàng loạt các công ty chứng khoán đã tiến hành tăng vốn, cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (mã MBS, sàn HNX) đã hoàn tất chào bán hơn 109 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về gần 1.100 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên gần 5.500 tỷ đồng. Công ty cổ phần chứng khoán SSI (mã SSI, sàn HoSE) cũng đã phát hành hơn 453 triệu cổ phiếu thưởng và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ của SSI sẽ tăng từ 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã VND, sàn HoSE) cũng đã chào bán thành công gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, nâng vốn điều lệ từ 12.178 tỷ đồng lên 15.223 tỷ đồng...

Một trong những lý do chính thúc đẩy cuộc đua tăng vốn được nhiều chuyên gia cho rằng là để chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mới đây, việc cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh mà không cần đủ tiền trước ngày 2/11/2024 được kỳ vọng sẽ gia tăng dòng vốn ngoại vào thị trường và là tiền đề để giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Điều này mang lại lợi ích trực tiếp cho các công ty chứng khoán thông qua việc phục vụ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và gia tăng doanh thu từ mảng môi giới.

Cân nhắc khi sàng lọc chặt chẽ hơn thị trường chứng khoán sơ cấp
Trong các nội dung tại dự thảo mới nhất sửa đổi Luật Chứng khoán, nhiều quy định sàng lọc đối với các tổ chức phát hành được đưa chặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư