Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán châu Á ngóng báo cáo thị trường việc làm Mỹ
Lê Quân - 07/05/2021 11:20
 
Thị trường châu Á - Thái Bình Dương tăng điểm trên diện rộng trong phiên giao dịch sáng 7/5 trước thềm Mỹ công bố báo cáo thị trường việc làm vào cuối ngày.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0,33% trong phiên giao dịch sáng 7/5. Ảnh: AFP
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0,33% trong phiên giao dịch sáng 7/5. Ảnh: AFP

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã cắt lỗ sau kỳ nghỉ lễ dài ngày và nhích 0,33% trong phiên giao dịch sáng nay 7/5, trong khi chỉ số Topix tăng 0,56%.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tiếp tục tăng thêm 0,75% trong khi chỉ số ASX 200 của Australia đảo chiều và tăng 0,46% nhờ sức kéo của nhóm cổ phiếu ngân hàng và khai khoáng.

Chỉ số Taiex của Đài Loan ghi nhận mức tăng 1,12% còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,74%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục sáng nay đã tăng điểm trở lại sau những rung lắc trong nửa giờ đầu giao dịch. Chỉ số Shanghai Composite sáng nay lên điểm 0,36% còn chỉ số Shenzhen Component tăng 0,45%.

Chứng khoán Phố Wall đêm qua ghi nhận các chỉ số chính đều tăng điểm với kỳ vọng lạc quan về tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ. Các nhà phân tích của ANZ cho rằng: "Có sự chuyển động hạn chế trên thị trường chứng khoán đêm qua bởi dữ liệu kinh tế tương đối thuận lợi và tin tức chính quyền Biden có khả năng giữ lại một số biện pháp hạn chế từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với các khoản đầu tư của Mỹ vào một số công ty Trung Quốc".

Các nhà đầu tư đang đón đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 7/5 (giờ Mỹ). Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ là một trong những báo cáo kinh tế có tác động lớn nhất đến thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, số liệu việc làm tháng 4 sẽ chi phối các động thái tiếp theo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Các nhà kinh tế dự báo bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 của Mỹ sẽ được bổ sung thêm 1 triệu lao động và tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm từ 6% xuống 5,8%.

Fed đã cam kết giữ nguyên chính sách lãi suất bằng 0 và các chính sách nới lỏng khác cho đến khi cơ quan này nhận thấy thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ trở lại và lạm phát trở nên nóng hơn.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác rớt 0,08% xuống 90,875, từ mức trên 91,00 thiết lập trong phiên trước. Đồng yên Nhật Bản vững giá và quy đổi 109,14 JPY/USD còn đồng đô la Australia tăng giá 0,08% lên mức 1 AUD "ăn" 0,7785 USD.

Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á sáng nay nhích nhẹ. Dầu thô giao sau của Mỹ tăng giá 0,11% lên 64,78 USD/thùng trong khi dầu Brent giao kỳ hạn lên giá 0,04% và giao dịch 68,12 USD/thùng.

Các nhà phân tích của ANZ cho rằng sự phục hồi không đồng đều từ đại dịch Covid-19 của các nền kinh tế đang phản ánh triển vọng thị trường. "Trong khi nhu cầu dầu mỏ ở các thị trường lớn như châu Âu và Bắc Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ, thì một làn sóng mới của Covid-19 đang làm dấy lên lo ngại nhu cầu ở châu Á", các chuyên gia ANZ bình luận.

Họ cũng nhận định, điều này có khả năng cản đà tăng của giá dầu cho đến khi tác động của các biện pháp chống dịch ở các quốc gia như Ấn Độ lên nhu cầu dầu mỏ rõ ràng hơn.

Chứng khoán gặp phen thử lửa, Techcombank ngược dòng giữ đà tăng
Chỉ số chứng khoán trên cả ba sàn đồng loạt rơi vào đầu phiên chiều khi hàng loạt ca nhiễm mới liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư