Thứ Hai, Ngày 07 tháng 04 năm 2025,
Chứng khoán châu Á tiếp tục "đỏ lửa", loạt lệnh ngắt mạch trên sàn chứng khoán Đài Loan
Tùng Linh - 07/04/2025 12:59
 
Mở cửa giao dịch trở lại sau đợt nghỉ 2 ngày, sàn chứng khoán Đài Loan “ngấm đòn” tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống D. Trump. Lo ngại chiến tranh thương mại, sắc đỏ bao trùm trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu tiếp tục có phiên bán tháo trong phiên giao dịch đầu tuần

Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chứng kiến một đợt bán tháo dữ dội sau ngày nghỉ cuối tuần chóng vánh với loạt tin tức mới kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế “có đi có lại”, hay còn gọi là thuế đối ứng, ở quy mô chưa từng có cùng mức thuế đầy bất ngờ. Theo sắc lệnh mới, Mỹ sẽ áp thuế cơ bản 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu và mức thuế cao hơn đối với những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, lên tới 34% đối với Trung Quốc, 20% với EU và 46% với Việt Nam.

Mở cửa sau đợt nghỉ lễ hôm 3/4 và 4/4, chỉ số chứng khoán của Đài Loan chịu đòn giáng lớn khi hàn thử biểu của nền kinh tế "ngấm" tác động thông tin tiêu cực. Chỉ số chứng khoán sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan lao dốc gần 10%, mức giảm mạnh nhất trong một phiên kể từ ít nhất năm 1990. Cổ phiếu TSMC và Foxconn cùng giảm 10%, qua đó kích hoạt lệnh ngắt mạch trên thị trường này. Trên sàn chứng khoán Đài Loan, khi giá cổ phiếu chạm mức tăng hoặc giảm 10%, hệ thống sẽ kích hoạt lệnh ngắt mạch, tạm dừng giao dịch cổ phiếu đó để ngăn chặn biến động giá quá mức và cho phép nhà đầu tư có thời gian đánh giá lại tình hình. Trước đó, vào Chủ nhật, cơ quan quản lý tài chính Đài Loan thông báo sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế tạm thời có hiệu lực trong tuần này đối với hoạt động bán khống cổ phiếu để giúp ứng phó với tình trạng hỗn loạn tiềm tàng trên thị trường do thuế quan.

Mặc dù chất bán dẫn không nằm trong danh sách áp thuế của Tổng thống Trump, Đài Loan có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại, cũng như chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Theo Venson Tsai, một nhà phân tích tại Cathay Futures ở Đài Bắc, áp lực bán tháo hoảng loạn rất cao. “Đây là vấn đề về lòng tin của thị trường", vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh.

Thị trường châu Á đỏ lửa trong phiên giao dịch sáng ngày 7/4


Không riêng Đài Loan, nhiều thị trường châu Á đã giảm mạnh từ tuần trước vẫn chưa ngưng đà giảm. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 có thời điểm giảm xuống dưới 31.000 điểm, thấp nhất kể từ tháng 10/2023. Cổ phiếu ngân hàng, công nghệ và ô tô đồng loạt mất giá sâu như Mitsubishi UFJ (-11,3%), Nintendo (-5,8%), Toyota (-3,2%)…

Chỉ số Hang Seng trên thị trường chứng khoán Hồng Kông có thời điểm sụt giảm tới 10,7%, tương đương 2.445 điểm, rơi xuống đáy 2 tháng. Trong tuyên bố cuối tuần vừa qua, Trung Quốc chính thức đáp trả bằng thuế 34% lên hàng Mỹ, cấm xuất khẩu đất hiếm và thêm 27 công ty Mỹ vào "danh sách không đáng tin cậy".

Tại Mỹ, hợp đồng tương lai của Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq tiếp tục giảm mạnh sau ba phiên điều chỉnh liên tiếp. Các nhóm cổ phiếu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghệ và ô tô bị bán tháo mạnh. 

Sắc lệnh áp thuế đối ứng của Mỹ này không chỉ làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện mà còn làm rung chuyển niềm tin vào chính sách ổn định vĩ mô của Mỹ. Tỷ phú Bill Ackman, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Pershing Square, cho rằng việc cố gắng đàm phán trong lúc thị trường sụp đổ sẽ làm tổn hại vị thế đàm phán của nước Mỹ. Trong một chia sẻ trên nền tảng X mới đây, vị tỷ phú này nhận định nếu chính sách thuế quan mới áp dụng ngay ngày 9/4, đây sẽ là “cuộc chiến hạt nhân” trong lĩnh vực kinh tế. Hệ quả dẫn đến hoạt động đầu tư kinh doanh dừng lại, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, niềm tin toàn cầu đối với nước Mỹ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để phục hồi. Trong khi đó, việc tạm dừng trong 90 ngày, như gợi ý mà Bill Ackman đề cập, sẽ giúp đàm phán và giải quyết các thoả thuận thuế quan không công bằng và thu hút hàng nghìn tỷ đô là đầu tư mới. “CEO và ban giám đốc nào sẽ thoải mái thực hiện những cam kết kinh tế dài hạn ở Mỹ trong bối cảnh chiến tranh hạt nhân kinh tế?”, câu hỏi được vị tỷ phú này đặt ra.

Trước chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 34% đối với tất cả hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4, đồng thời nộp đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện Mỹ về chính sách thuế.Thay vì đưa ra biện pháp đáp trả thuế quan, EU và một số nước đang cân nhắc các phương án đàm phán. Ủy viên thương mại EU, ông Maros Sefcovic, tuyên bố khối này sẽ có phản ứng "bình tĩnh, theo từng giai đoạn và thống nhất"” song khẳng định EU sẽ hành động. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba kêu gọi cách tiếp cận "bình tĩnh" trong đàm phán với Tổng thống Donald Trump, dù các biện pháp thuế của Mỹ hiện nay đang tạo ra “khủng hoảng quốc gia” đối với Nhật Bản.

Trước đó, trong thông điệp đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/4 khẳng định chính sách thuế quan mới áp dụng với nhiều quốc gia nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ, song cũng thừa nhận quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn và cần sự kiên nhẫn từ người dân Mỹ. 

Ông Donald Trump trấn an khi chứng khoán Mỹ "bốc hơi" 5.000 tỷ USD do lo ngại chính sách thuế quan
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chính sách thuế quan mới áp dụng với nhiều quốc gia nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ nhưng quá trình thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư