Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán Nhật Bản tăng dựng đứng, vẫn có khả năng phá đỉnh
Đông Phong - 15/01/2024 18:08
 
Bước vào năm 2024 với đầy biến động, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lần đầu tiên bước qua mốc 35.000 điểm vào tháng 2/1990, đồng thời thiết lập mốc cao mới trong 33 năm.
Chỉ số Nikkei 225 đã khoan thủng mốc 35.900 trong ngày giao dịch 15/1/2024. Nguồn: CNBC
Chỉ số Nikkei 225 đã khoan thủng mốc 35.900 trong ngày giao dịch 15/1/2024. Nguồn: CNBC

Thực tế, chứng khoán Nhật Bản đã bật dậy mạnh mẽ từ ngày 5/1. Ngoài Nikkei 225, chỉ số Topix cũng đạt mức cao nhất trong 33 năm.

Đà tăng trên sẽ duy trì trong bao lâu và liệu Nikkei có thể cán mốc lịch sử 38.195 được thiết lập vào tháng 12/1989 không là hai câu hỏi lớn cho chứng khoán Nhật Bản lúc này.

Phát biểu trên đài CNBC, ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG Asia lạc quan cho rằng "tất cả các ngôi sao dường như đều hướng về thị trường chứng khoán Nhật Bản".

Dẫn chứng dữ liệu chỉ ra cả tiền lương và chi tiêu hộ gia đình ở Nhật Bản cùng suy giảm hơn, ông Rong cho rằng điều này thuận lợi cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì các chính sách siêu thích ứng lâu hơn, thúc đẩy thị trường trong nước.

Nó cũng giúp cổ phiếu "tiếp tục đắm mình trong môi trường chính sách hỗ trợ", ông Rong nhận xét, đồng thời lưu ý thêm rằng thị trường cổ phiếu Nhật Bản đang có nhiều lợi thế hơn nhờ một số yếu tố thuận lợi dài hạn hơn, bao gồm các biện pháp quản trị doanh nghiệp của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Đơn cử, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã yêu cầu các công ty niêm yết "tuân thủ hoặc giải trình" nếu họ giao dịch dưới giá trị sổ sách - một dấu hiệu cho thấy các công ty này có thể không sử dụng vốn hiệu quả. Cơ quan này cũng cảnh báo rằng những công ty thực hiện giao dịch như vậy có thể bị hủy niêm yết ngay sau năm 2026.

Trong một thông cáo vào tuần trước, ngân hàng Bank of America đã gọi đà tăng của chứng khoán Nhật Bản là "déjà vu" ("ký ức ảo giác"), đồng thời so sánh nó với đợt tăng của chỉ số Nikkei trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023.

"Chúng tôi cũng thấy nhiều điểm tương đồng với đợt tăng năm ngoái", các nhà phân tích của Bank of America cho biết. Trong đó, họ lưu ý rằng yếu tố kích hoạt đợt lên điểm của chứng khoán Nhật Bản vào năm ngoái là đợt tăng lương "shunto" cao nhất 30 năm. "Shunto" là thuật ngữ dùng cho các cuộc đàm phán tiền lương giữa các công đoàn doanh nghiệp và người sử dụng lao động hàng năm ở Nhật Bản.

Năm 2024, dự báo các cuộc đàm phán Shunto có khả năng cao mang lại mức tăng lương cao hơn nữa, bởi trong vài tuần qua các công ty lớn đều khẳng định sẽ tăng lương mạnh mẽ.

"Lạm phát do chi phí đẩy đang suy yếu và nếu tiền lương thực tế bắt đầu tăng thì điều đó có thể sẽ có tác động đáng kể đến thị trường", Bank of America lập luận.

Còn ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường từ IG Asia Yeap, lý giải rằng sự phục hồi của thị trường chứng khoán Nhật Bản là do các nhà đầu tư hy vọng Nhật Bản sẽ thoát khỏi chu kỳ giảm phát, cũng như được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi.

Đồng yên suy yếu cũng góp phần thúc đẩy dòng vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài chảy vào Nhật Bản. Công ty nghiên cứu đầu tư Morningstar Fund Research tiết lộ rằng dòng vốn ròng đổ vào các quỹ đầu tư cổ phiếu Nhật Bản đã tăng lên 320 tỷ yên trong tháng 12/2023, từ mức 70 tỷ yên của tháng 11. Dòng tiền ròng từ các quỹ thụ động cũng giảm từ 180 tỷ yên xuống gần như bằng 0.

Các nhà phân tích của Bank of America cho biết: "Mặc dù gần đây đã nhích giá phần nào, nhưng đồng yên nhìn chung vẫn suy giảm do thị trường cho rằng động thái BoJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BTV) từ bỏ NIRP (chính sách lãi suất âm - BTV) sẽ bị trì hoãn".

Cổ phiếu trên thị trường Nhật Bản có thể không có nhiều dư địa tăng giá, nhưng giới phân tích không loại trừ khả năng tăng thêm. Hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu (chỉ số P/E) của thị trường đang ở mức bình quân 14 lần, trong khi mức đỉnh là 14,5 lần.

Ông Rong nhận định, các điều kiện kỹ thuật quá mua trong thời gian ngắn "có thể khiến chỉ số này tạm ngưng trong ngắn hạn, xu hướng tăng hiện nay có thể sẽ tiếp tục, vì Nikkei 225 có khả năng lặp lại mức điểm kỷ lục năm 1990 vào những tháng tới".

Ngay tại phiên giao dịch đầu tuần này - ngày 15/1, chỉ số Nikkei đã tăng 0,62%, trong khi Topix tăng 0,84%, bất luận các thị trường khác ở châu Á vẫn trầm lắng.

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm mạnh nhất trước thềm Fed họp chính sách
Thị trường chứng khoán Nhật Bản và Australia đều tăng gần 1%, mức tăng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong ngày giao dịch 15/6.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư